(Người Chăn Nuôi) – Dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu tái phát mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung. Hơn 43.000 con lợn đã bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương tập trung kiểm soát dịch ngay từ cơ sở.
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục hoành hành
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị tiêu hủy lên tới 43.375 con. Đặc biệt, hiện có 256 ổ dịch tại 26 địa phương chưa qua 21 ngày, dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn đang âm ỉ và có khả năng lan rộng.
Tình hình dịch tại các tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội và khu vực duyên hải miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Trị đang diễn biến phức tạp. Trong đó, Cao Bằng là địa phương có số lợn mắc và chết cao nhất với hơn 11.000 con. Hà Nội cũng ghi nhận 11 ổ dịch với hơn 3.200 con lợn bị tiêu hủy.
Người dân vận chuyển lợn bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Tú
Dù so với cùng kỳ năm 2024, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy giảm hơn 34%, nhưng diễn biến phức tạp của các ổ dịch cũ tái phát cho thấy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên diện rộng nếu không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền và người dân.
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh tái phát chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô trung bình chỉ 50 – 60 con mỗi ổ dịch, trong khi điều kiện an toàn sinh học không được đảm bảo. Đáng lo ngại, nhiều hộ dân vẫn chủ quan, không tiêm phòng dù đã có ba loại vaccine được cấp phép lưu hành.
Tâm lý giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, vứt xác lợn ra môi trường để tránh thiệt hại kinh tế đang khiến dịch lây lan nhanh. Thời tiết mưa bão, kết hợp với ý thức kém của người chăn nuôi làm virus phát tán qua nước thải, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngoài ra, hoạt động giết mổ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Một số cơ sở thu mua, giết mổ lợn nghi mắc bệnh vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí không có giấy phép hoặc nhân viên thú y giám sát. Công tác kiểm soát giết mổ tại tuyến xã, nhất là ở các tỉnh miền núi còn yếu, thiếu nhân lực và chế tài xử phạt chưa nghiêm.
Việt Nam hiện đã cấp phép lưu hành ba loại vaccine DTLCP và phân phối ra thị trường 7,8 triệu liều. Trong giai đoạn 2023 – 2025, hơn 1 triệu con lợn đã được tiêm phòng tại 45 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ tử vong sau tiêm rất thấp, chỉ 0,1%, phần lớn do lợn đã nhiễm bệnh từ trước hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm phòng còn chậm, phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi một bộ phận người chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả và sự cần thiết của việc tiêm phòng vaccine.
Cần hành động quyết liệt
Trước tình hình trên, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, đặc biệt là Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Các địa phương được yêu cầu công bố dịch kịp thời, tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi giấu dịch, vận chuyển và giết mổ lợn nhiễm bệnh, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và chủ động phòng dịch.
Song song, việc kiện toàn hệ thống thú y, bố trí đủ nhân lực thú y cấp xã, tăng cường giám sát virus qua hệ thống quản lý VAHIS, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế như FAO, USAID cũng được xác định là nhiệm vụ cấp thiết.
Cùng với phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật cũng là trọng tâm được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm 2025. Hiện cả nước có hơn 24.800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng chỉ khoảng 27% có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và rất ít nơi được kiểm soát thú y.
Bộ yêu cầu các địa phương rà soát lại mạng lưới cơ sở giết mổ, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn; đồng thời có lộ trình đưa các cơ sở nhỏ lẻ vào quản lý chặt chẽ, chấm dứt tình trạng giết mổ tự phát, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Để thực hiện hiệu quả, các địa phương cần sớm bố trí quỹ đất, ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ công nghiệp; tăng thu nhập cho nhân viên thú y để đảm bảo nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và người sản xuất.
Thùy Khánh