Quy trình nuôi gà đẻ trong chuồng kín an toàn sinh học

Thiết kế và xây dựng chuồng kín

Chuồng kín là loại chuồng có hệ thống bao che và kiểm soát khí hậu hoàn toàn, nhằm cách ly đàn gà khỏi các yếu tố bên ngoài. Chuồng được xây dựng kiên cố bằng khung thép, tường bê tông hoặc tấm panel cách nhiệt, mái lợp tôn lạnh có lớp cách nhiệt PU hoặc xốp. Hai bên vách chuồng có thể lắp đặt tấm làm mát (cooling pad), phía đối diện là hệ thống quạt hút, tạo luồng không khí đối lưu giúp giảm nhiệt hiệu quả.

Nền chuồng cần lát bê tông, có độ dốc hợp lý để thoát nước. Bên trong chuồng bố trí hệ thống lồng nuôi (cage) nhiều tầng, mỗi lồng chứa từ 3 – 5 con gà. Lồng được thiết kế có khay đựng trứng phía trước, máng ăn phía trên và núm uống nước tự động bên trong. Các lối đi giữa các dãy lồng rộng tối thiểu 1m để thuận tiện vệ sinh và chăm sóc.

Ngoài khu chuồng chính, trang trại cần có hệ thống hàng rào bao quanh, cổng kiểm soát ra vào, bể sát trùng xe, phòng thay đồ, kho thức ăn, nhà để phân và khu xử lý nước thải nhằm đảm bảo quy trình an toàn sinh học khép kín.

kỹ thuật nuôi gà đẻ chuồng kín

Chọn giống và nhập đàn

Gà giống được chọn từ những cơ sở có uy tín, đạt tiêu chuẩn giống sạch bệnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Các giống phổ biến gồm Hyline Brown, Lohmann Brown, Isa Brown… có đặc điểm đồng đều, khả năng đẻ trứng cao, vỏ trứng cứng, màu sắc đẹp, phù hợp với thị trường.

Gà được nhập vào trại khi đạt từ 1 ngày tuổi (nuôi từ giai đoạn hậu bị) hoặc 16 – 18 tuần tuổi (đã qua úm và huấn luyện ánh sáng). Trước khi nhập đàn, chuồng trại phải được vệ sinh, sát trùng kỹ bằng hóa chất chuyên dụng, để trống chuồng tối thiểu 10 ngày.

Sau khi nhập, cần theo dõi sức khỏe gà trong 2 tuần đầu, bảo đảm thích nghi tốt với môi trường, có chế độ chiếu sáng, nhiệt độ và thức ăn phù hợp với độ tuổi. Gà yếu, dị tật cần được loại thải sớm để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả đàn.

Quản lý dinh dưỡng và thức ăn

Chế độ dinh dưỡng cần thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.

Giai đoạn hậu bị (1 – 18 tuần): Sử dụng thức ăn công nghiệp chứa 16 – 18% protein, hạn chế canxi để tránh gà phát dục sớm. Giai đoạn này tập trung hình thành khung xương, hệ cơ và phát triển cơ quan sinh sản.

Giai đoạn khởi phát đẻ (18 – 24 tuần): Tăng dần năng lượng và canxi, sử dụng khẩu phần có 2.700 – 2.800 Kcal/kg, protein 16 – 17%, canxi 3,5 – 4% để hỗ trợ quá trình hình thành vỏ trứng.

Giai đoạn đẻ ổn định (24 – 70 tuần): Duy trì khẩu phần ổn định, cân đối dưỡng chất, bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa để nâng cao năng suất và kéo dài thời gian khai thác trứng.

Thức ăn cần được bảo quản trong kho thoáng mát, cao ráo, không ẩm mốc. Nên cho ăn theo định lượng, chia làm 2 – 3 lần/ngày, kiểm soát lượng ăn để tránh dư thừa hoặc thiếu hụt.

Quản lý ánh sáng và môi trường chuồng nuôi

Ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và sinh sản của gà đẻ.

Giai đoạn hậu bị: Chiếu sáng 14 – 16 giờ/ngày, sau đó giảm dần còn 8 giờ/ngày vào tuần thứ 16 – 18 để tránh gà đẻ sớm.

Giai đoạn khởi phát đẻ: Tăng dần thời gian chiếu sáng thêm 30 phút mỗi tuần cho đến khi đạt 16 giờ/ngày và giữ ổn định trong suốt thời kỳ đẻ. Nhiệt độ chuồng lý tưởng là 22 – 280C. Hệ thống làm mát và quạt thông gió cần hoạt động hiệu quả để điều hòa không khí, hạn chế hiện tượng stress nhiệt. Độ ẩm giữ ở mức 60 – 70%. Gió lùa hoặc chênh lệch nhiệt độ đột ngột cần được kiểm soát để tránh sốc nhiệt.

Chăm sóc và thu trứng

Gà đẻ cần được theo dõi sát sao về sức khỏe, hoạt động ăn uống và sản lượng trứng. Hằng ngày, kiểm tra hệ thống nước uống, máng ăn, núm nước để đảm bảo hoạt động tốt. Thu trứng 3 – 4 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều. Trứng sau khi thu được phân loại, loại bỏ trứng bẩn, nứt, trứng lạ. Trứng đạt chuẩn được bảo quản nơi khô mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Trong giai đoạn đẻ cao điểm (từ 28 – 50 tuần tuổi), tỷ lệ đẻ có thể đạt 90 – 95%. Sau 60 tuần tuổi, năng suất giảm dần, cần đánh giá hiệu quả đàn để quyết định thời điểm loại thải.

Phòng bệnh và an toàn sinh học

Đây là yếu tố sống còn trong mô hình nuôi chuồng kín. Một chương trình tiêm phòng đầy đủ theo từng giai đoạn tuổi là bắt buộc. Những bệnh cần tiêm vaccine bao gồm: Marek, Gumboro, Newcastle, cúm gia cầm, E.coli, IB…

Chuồng trại, dụng cụ, xe vận chuyển, giày ủng, tay người chăm sóc đều phải được sát trùng thường xuyên bằng thuốc sát trùng chuyên dụng. Chất độn chuồng, phân gà cần thu gom, xử lý đúng quy trình, tránh tích tụ gây phát sinh mầm bệnh và khí độc. Người vào chuồng phải thay đồ bảo hộ, rửa tay, qua buồng khử trùng hoặc thảm sát trùng.

Cần xây dựng lịch sát trùng định kỳ (tuần/lần hoặc 3 ngày/lần tùy mật độ nuôi và thời điểm dịch bệnh). Việc kiểm soát động vật trung gian (chuột, chim, côn trùng…) là bắt buộc trong quy trình an toàn sinh học.

Xử lý cuối vụ và chuẩn bị cho lứa mới

Sau khi kết thúc chu kỳ nuôi (thường 72 tuần), gà được loại thải. Toàn bộ chuồng trại cần được dọn phân, vệ sinh cơ học, rửa bằng nước áp lực cao, phun hóa chất sát trùng và để trống chuồng ít nhất 10 – 15 ngày. Việc làm trống chuồng giúp cắt đứt mầm bệnh, hạn chế dịch tái phát cho lứa kế tiếp. Có thể dùng vôi bột hoặc formalin 2% để phun toàn bộ chuồng.

Lúc này cũng là thời điểm bảo trì thiết bị, vệ sinh máng ăn uống, kiểm tra hệ thống đèn, quạt, cooling pad để đảm bảo hoạt động tốt cho chu kỳ tiếp theo.

 Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *