Ngày 18.1.2021, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quá trình triển khai thực hiện đến nay phát sinh một số vấn đề tồn tại, bất cập cần khắc phục.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8.2024 vừa qua, Sở NN&PTNT trình dự thảo Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm thay thế Quyết định số 02.
Chăn nuôi an toàn sinh hoặc ngày càng được áp dụng rộng rãi.
Theo Tờ trình của Sở NN&PTNT, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Vùng 3 gồm các huyện Tân Biên, Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu là vùng phát triển nông nghiệp…”.
Trong đó, về chăn nuôi được định hướng: “… phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh môi trường, an toàn thực phẩm. Hình thành các vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã… đầu tư vào chăn nuôi gắn với chế biến và ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu”.
Quy hoạch đất nông nghiệp đến năm 2030 các huyện, thị xã, thành phố đều giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến mật độ quy định tại Quyết định số 02. Cụ thể, mật độ chăn nuôi đến năm 2030 tính trên số vật nuôi hiện có và của các dự án đã được phê duyệt chủ trương thì có các địa bàn vượt quy định là thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và huyện Bến Cầu.
Chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình.
Thời gian qua, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào những địa bàn có diện tích đất nông nghiệp lớn, xa khu dân cư, thuận lợi trong thực hiện an toàn dịch bệnh như Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu và Châu Thành nên dự báo mật độ chăn nuôi đến năm 2030 sẽ đạt hoặc vượt quy định tại Quyết định số 02.
Trong khi đó, những địa phương không thu hút được dự án đầu tư do quá trình đô thị hóa nhanh, giá đất nông nghiệp cao, nhiều khu dân cư tập trung cần phải giảm mật độ chăn nuôi như thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành, huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu. Do đó, việc giảm mật độ chăn nuôi ở các địa phương này là phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Xuất phát từ cơ sở thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Quyết định của UBND tỉnh quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm thay thế Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND là rất cần thiết. Qua đó, tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái và chiến lược phát triển chăn nuôi của vùng Đông Nam Bộ.
Bố trí mật độ chăn nuôi phù hợp còn góp phần quản lý tốt công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc ban hành mật độ chăn nuôi giúp người chăn nuôi xác định, lựa chọn quy mô chăn nuôi, yên tâm đầu tư lâu dài, đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn sinh học và phát triển chăn nuôi bền vững.
Chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Tân Châu.
Quy định mật độ chăn nuôi được xây dựng trên cơ sở có tính toán mật độ chăn nuôi hiện tại và căn cứ các dự án chăn nuôi đầu tư vào tỉnh Tây Ninh thời gian qua, các dự án tiềm năng phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh nhằm điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và bảo vệ môi trường.
Dự thảo quyết định được xây dựng bảo đảm đúng quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự thủ tục, công khai minh bạch; tạo cơ sở pháp lý để các địa phương và các cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý chăn nuôi.
Theo tờ trình này, quy định mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh đến năm 2030 không vượt quá 1,5 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp (ĐVN/ha). Mật độ chăn nuôi của các huyện, thị xã, thành phố đến năm 2030 không vượt quá mức quy định cụ thể cho từng địa bàn như sau: thành phố Tây Ninh 0,15 ĐVN/ha; thị xã Hòa Thành 0,2 ĐVN/ha; thị xã Trảng Bàng 0,4 ĐVN/ha; huyện Châu Thành 1,51 ĐVN/ha; huyện Dương Minh Châu 0,7 ĐVN/ha; huyện Tân Châu 1,9 ĐVN/ha; huyện Tân Biên 1,7 ĐVN/ha; huyện Gò Dầu 0,4 ĐVN/ha; huyện Bến Cầu 2,5 ĐVN/ha.
Tại phiên họp, UBND tỉnh thống nhất nội dung tờ trình và giao Sở NN&PTNT hoàn thiện dự thảo Quyết định.
Trúc Ly
Nguồn: Báo Tây Ninh