Quảng Trị: Quan tâm bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ

Nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai tác động nên công tác phòng, chống thiên tai được các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chú trọng thực hiện. Hiện nay đang vào mùa mưa lũ, nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, nhất là đảm bảo an toàn cho vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các cấp chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn vật nuôi.

Công tác dự báo được ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh chú trọng nên trước mùa bão, lũ đã thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của ngành. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến tận người dân về những công việc cần thực hiện sớm trước khi mùa mưa bão đến như kiểm tra, giằng chống chuồng trại đảm bảo độ vững chắc; dự trữ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, ít nhất là cung cấp đủ nhu cầu ăn uống cho vật nuôi trong vòng 15 ngày; có các biện pháp khắc phục thiên tai, dịch bệnh hiệu quả để bảo vệ số lượng đàn vật nuôi cũng như đảm bảo cho vật nuôi không bị xuống sức trong và sau bão, lũ.

Trong suốt cả năm phải chăm sóc tốt đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu của vật nuôi. Ở những vùng thấp trũng, có nguy cơ lũ lụt kéo dài cần có phương án di dời đàn vật nuôi đến những vùng đất cao và an toàn hơn. Di dời vật nuôi đến đâu thì làm chuồng che chắn cẩn thận đến đó, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi trong thời gian di dời. Đối với những vật nuôi đủ trọng lượng xuất chuồng (nhất là lợn, gia cầm) thì nên xuất chuồng trước khi có mưa bão, lũ đến để tránh thiệt hại lớn.

nuôi bò mùa lũ

Xây dựng chuồng trại kiên cố để bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa lũ – Ảnh: T.A.M

Nông dân cũng không nên tăng đàn trước mùa bão, lũ để tránh thiệt hại cũng như giảm hiệu quả kinh tế do vật nuôi chịu tác động bất lợi của thời tiết sẽ chậm lớn. Đối với các lò ấp trứng giống gia cầm cần chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi bão, lũ xảy ra sẽ mất điện để duy trì liên tục nguồn điện trong lò ấp, vừa hạn chế thiệt hại tại lò ấp, vừa đảm bảo có con giống chất lượng để tái đàn sau thiên tai. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Tăng cường vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; phun sát khuẩn, tiêu độc trong và ngoài chuồng nuôi để tiêu diệt các mầm bệnh…

Khi bão, lũ xảy ra, nông dân cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết để chủ động triển khai các kế hoạch đã lập dự phòng như: đối với vùng cao ráo không có nguy cơ ngập lụt thì kiểm tra chuồng trại, che chắn thêm đủ ấm cho gia súc, đảm bảo đủ lượng thức ăn cho gia súc trong thời gian xảy ra bão lũ. Đối với vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt thì chủ động di dời đàn vật nuôi đến vùng cao, an toàn, làm nhà tạm cho vật nuôi nhưng cũng phải đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, rét kéo dài, đồng thời có phương án kiểm soát gia súc, gia cầm tránh vật nuôi chạy lung tung rồi thất lạc.

Trong quá trình di chuyển đàn vật nuôi tránh mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Phải có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường nơi vật nuôi trú tạm. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh bởi lũ lụt làm cho mầm bệnh lây lan nhanh với quy mô và mức độ theo mức bao phủ của nước lũ, chú ý phòng các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, dịch tả, lở mồm long móng… Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó. Sử dụng vôi bột, hóa chất để phun khử trùng chuồng trại trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng. Xử lý ngay xác vật nuôi bị chết, phun khử độc, vệ sinh môi trường nơi có xác vật nuôi và vùng chăn nuôi bị ngập lụt để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Sau mưa bão, lũ lụt, nguồn thức ăn cho vật nuôi thường kham hiếm, đồng cỏ bị ô nhiễm nếu gia súc ăn vào sức khỏe sẽ giảm sút. Do đó, cần chú ý đến nguồn thức ăn cho vật nuôi, kiểm tra kỹ không cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn bị mốc, kém chất lượng; chưa vội chăn thả trâu bò tại đồng cỏ bị ô nhiễm mà nên cắt cỏ rửa sạch rồi cho trâu bò ăn. Trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp vật nuôi nhanh hồi phục sức khỏe sau bão lũ.

Tăng cường quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm sớm phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không để bệnh phát triển lây lan thành dịch vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm thường mắc sau mưa lũ là lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, cúm gia cầm… Khi phát hiện bệnh trên đàn vật nuôi cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kiểm tra, xử lý bệnh theo đúng quy định.

Người dân không được tự ý giết mổ hay mua bán, vận chuyển vật nuôi bị ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường mà phải tiến hành chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ có xử lý vôi và hóa chất khử trùng nơi chôn lấp vật nuôi. Sau ngập lụt, tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi để đảm bảo đàn vật nuôi đạt được mức bảo hộ.

Nông dân ở những vùng thấp trũng cần đợi qua mùa mưa bão, lũ lụt mới tái đàn, không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Ở những nơi ít bị ngập lụt chú ý tái đàn để chuẩn bị nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán và các dịp lễ cuối năm.

Để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ và tái đàn phù hợp là cách để bảo vệ sản xuất phát triển, giảm tối đa thiệt hại và tăng thu nhập cho người dân.

Trần Anh Minh

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *