Chăn nuôi theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết bằng hình thức gia công cho các công ty lớn đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp (DN), hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hải Lăng lựa chọn. Đây được xem là hướng đi mới giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn dịch bệnh và quan trọng là đầu ra ổn định, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp chăn nuôi thú y, anh Nguyễn Văn Đăng ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng quyết định mở một gia trại để chăn nuôi 150 con lợn. Nhưng may mắn không mỉm cười, sau vài tháng đàn lợn gia đình anh gặp dịch bệnh buộc phải tiêu hủy. Không dừng lại, anh Đăng tiếp tục thử sức với chăn nuôi gà. Vì nuôi số lượng ít, theo hình thức thả vườn nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm khá khó khăn, phải qua tư thương nên hiệu quả kinh tế không cao. Chưa kể, do thiếu kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của anh Đăng không mấy thuận lợi.
Nhiều hộ gia đình ở huyện Hải Lăng chuyển đổi sang chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết, áp dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả – Ảnh: L.T
Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi gà gia công, năm 2021, anh Nguyễn Văn Đăng mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi gà sang hình thức liên kết gia công với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam.
“Thời điểm đó, để ký hợp đồng nuôi gia công gà, tôi phải đầu tư gần 1,8 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý môi trường cùng những trang thiết bị hiện đại như: máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, điện chiếu sáng… theo tiêu chuẩn của công ty liên kết yêu cầu. May mắn, vấn đề khó nhất lúc đó là mặt bằng đã được giải quyết nhờ sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho tôi thuê 3,5 ha đất để xây dựng chuồng nuôi khép kín với quy mô 750 m2/chuồng”, anh Đăng chia sẻ.
Theo anh Đăng, nuôi gà gia công là mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Tham gia chăn nuôi gà theo hình thức gia công, anh được DN cung ứng con giống, nguồn thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Với mô hình này, đàn gà gia đình anh phát triển nhanh và đồng đều.
Quan trọng hơn là không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm khi chăn nuôi với số lượng lớn. Sau mỗi lứa nuôi từ 45 – 120 ngày (tùy theo giống gà), công ty sẽ thu mua gà thành phẩm và trừ tiền cung ứng trước, còn lại thanh toán cho người chăn nuôi. Bình quân mỗi năm gia đình anh Đăng nuôi từ 2 – 3 lứa, trừ các chi phí, mỗi lứa anh lãi tầm trên 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết, những năm qua, địa phương luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển đàn vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đồng thời, triển khai nhiều chính sách khuyến khích và giải pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm của xã.
Ngoài ra, địa phương cũng định hướng để các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Vì vậy, đến nay trên địa bàn xã có nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô tập trung, cải tạo hệ thống chuồng trại khép kín với tiêu chuẩn đảm bảo.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng có khoảng 18 trang trại chăn nuôi công nghệ cao, liên kết chăn nuôi với các công ty lớn theo hình thức gia công. Trong đó, có 5 trang trại nuôi gà, vịt; 12 trang trại nuôi lợn và 1 trang trại nuôi bò. Đây là những mô hình có thể giúp người chăn nuôi quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, con giống ngay từ đầu, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong cả quá trình nuôi nên vật nuôi ít dịch bệnh.
Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công, liên kết đều đảm bảo thu nhập ổn định trong thời điểm giá cả thị trường có nhiều biến động. Vì vậy, việc phát triển các trang trại chăn nuôi theo hình thức liên kết, gia công đang được nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Lăng quan tâm đầu tư.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, mặc dù mô hình chăn nuôi theo hình thức liên kết gia công áp dụng công nghệ cao có vốn đầu tư lớn hơn chăn nuôi truyền thống nhưng hiện vẫn thu hút nhiều hộ tham gia. Bởi lẽ, mô hình giúp người chăn nuôi tiết kiệm thời gian chăm sóc vật nuôi cũng như nhân lực; giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và tăng cường khả năng kiểm soát quá trình nuôi. Đặc biệt, mô hình bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định nên bà con yên tâm đầu tư.
Đối với huyện Hải Lăng, để tạo điều kiện giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, thời gian qua, địa phương đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, giai đoạn 2021-2024, hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại để xây dựng mới 3 mô hình chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con và 4 mô hình chăn nuôi lợn từ 50 con trở lên; hỗ trợ 15 triệu đồng/trang trại đối với 4 mô hình chăn nuôi lợn trên 100 con, ứng dụng công nghệ cao. Riêng trong năm 2024, trên địa bàn huyện có 2 dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao đang trình thẩm định, khảo sát đầu tư với quy mô mỗi dự án 24.000 con lợn thịt thương phẩm/lứa.
“Để có thể phát triển lĩnh vực chăn nuôi của địa phương theo hướng công nghệ cao, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn trang trại theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao; tranh thủ, huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở các xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, tạo điều kiện về đất đai xây dựng chuồng trại, vùng chăn nuôi tập trung, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững”, ông Đức thông tin thêm.
Lê Trường
Nguồn: Báo Quảng Trị