Sau một thời gian ổn định, thời điểm này, dịch cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan và phát sinh thành các ổ dịch lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Để chủ động phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
Ngay sau đó, Chi cục CN&TY tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng III. Đến ngày 10/12, Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 9592/CĐN-CĐ kết luận đàn vịt mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N8. Do đây là ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 đầu tiên tại huyện Triệu Phong và vi rút cúm gia cầm A/ H5N8 có nguy cơ cao truyền lây bệnh cho người nên ngay trong ngày 10/12, Trạm CN&TY huyện đã hướng dẫn UBND xã Triệu Thượng tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của hộ ông Lê Phú Hải theo quy định.
Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N8 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong – Ảnh: L.A
Đến ngày 17/12, Trạm CN&TY huyện tiếp tục nhận được thông tin tại hộ ông Hồ Viết Hóa, thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng có 2 đàn vịt gồm 1 đàn 1.200 con được 45 ngày tuổi và 1 đàn 1.300 con được 13 ngày tuổi có các dấu hiệu như đàn vịt của ông Lê Phú Hải đã bị tiêu hủy trước đó. Đặc biệt, cả 2 đàn vịt này cũng đều chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Căn cứ triệu chứng lâm sàng, bệnh tích mổ khám và dịch tễ chăn nuôi chung đồng, chung nguồn nước, có nhiều chim hoang dã (cò, dạt,…) sinh sống tại khu vực đàn vịt mắc bệnh của hộ ông Lê Phú Hải với đàn vịt của hộ ông Hồ Viết Hóa, Trạm CN&TY huyện xác định cả 2 đàn vịt của hộ ông Hồ Viết Hóa mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N8. Ngay trong sáng ngày 18/12, Trạm CN&TY huyện đã phối hợp với UBND xã Triệu Thượng tiến hành tiêu hủy toàn bộ 2 đàn vịt của hộ ông Hóa.
Theo thống kê của Chi cục CN&TY tỉnh, tính đến ngày 24/12, dịch cúm gia cầm A/H5N8 đang xảy ra tại 2 xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và Trung Sơn, huyện Gio Linh. Hầu hết gia cầm mắc bệnh, chết tại các ổ dịch trên là gia cầm mua không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và không được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định. Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh Nguyễn Trung Hậu cho biết, những năm qua công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt yêu cầu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là vẫn còn một tỉ lệ cao gia cầm chưa được tiêm phòng. Một điểm đáng chú ý nữa là qua kết quả giám sát hiệu quả tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2021 của 300 mẫu kiểm tra trên địa bàn tỉnh chỉ phát hiện 72 mẫu dương tính với kháng thể cúm gia cầm, chiếm tỉ lệ 24%, không đạt yêu cầu bảo hộ.
Đặc biệt, có 3 đàn gia cầm ở huyện Triệu Phong và Vĩnh Linh được lấy mẫu có kết quả 30/30 mẫu âm tính với kháng thể cúm gia cầm. “Cùng với kết quả bảo hộ thấp, tình trạng người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc, không khai báo khi nuôi mới. Các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm trái phép vẫn gia tăng. Thời tiết mưa, lạnh kéo dài là điều kiện rất thuận lợi cho mầm bệnh nhân lên và phát tán nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm là rất lớn”, ông Hậu nhấn mạnh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Chi cục CN&TY tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Trung Hậu cho biết, đơn vị đang tập trung rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, nhất là tại các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân để kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo người dân mua con giống đảm bảo có nguồn gốc. Chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho những đàn gia cầm đã hết thời hạn miễn dịch, đàn nuôi mới. Thường xuyên tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn.
Quản lý chặt chẽ các điểm, hộ kinh doanh gia cầm giống; xử lý triệt để các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép. Yêu cầu các hộ ấp nở gia cầm phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nguồn trứng đưa vào ấp phải có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị