Thời gian qua, tại một số xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa có tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn trâu, bò đạt thấp. Bên cạnh đó, một số địa phương tiếp nhận khá nhiều gia súc từ các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Số gia súc này được chăn thả chung với đàn gia súc địa phương dẫn đến nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao.
Chậm báo cáo, xử lý ổ dịch
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), ngày 17/3, đơn vị nhận được thông tin bò mắc bệnh tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của chính quyền địa phương cho thấy, ngày 24/2, xã có tiếp nhận 23 con bò vàng sinh sản và cấp cho 23 hộ dân thuộc Nhóm hỗ trợ phát triển cộng đồng – Nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng sinh sản” tại thôn A Xốc Lìa do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cấp hỗ trợ theo kế hoạch. Số bò này có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn tỉnh số 11066/CN-CNKDUQ của Chi cục CN&TY Nghệ An cấp ngày 23/2.
Đến ngày 15/3, UBND xã mới nhận được thông tin có bò bị bệnh, nghi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM), trong đó có hộ ông Ăm Niêm là hộ có tiếp nhận bò ngày 24/2. Tại thời điểm kiểm tra, bệnh đã xảy ra trên đàn bò của 7 hộ dân tại thôn A Xốc Lìa với tổng số gia súc mắc bệnh là 25 con, trong đó có 1 con bò vàng sinh sản do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cấp hỗ trợ. Ngoài ra, theo thông tin từ UBND xã Lìa, đến ngày 20/3, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại 17 hộ với tổng số bò mắc bệnh là 39 con, tập trung toàn bộ tại thôn A Xốc Lìa.
Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu cho biết, qua kiểm tra thực tế tại 4 hộ có bò bị bệnh tại thôn A Xốc Lìa nhận thấy bò mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng gồm: viêm viền kẽ móng, kẽ chân, đi lại khó khăn; có các vết sẹo trong miệng đã khô.
Chăn nuôi bò tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa – Ảnh: L.A
Theo thông tin từ các hộ dân có bò bị bệnh, các ngày trước bò có hiện tượng chảy nước bọt, ăn ít. Với các biểu hiện lâm sàng nói trên, bước đầu nhận định đàn bò nghi bị bệnh LMLM. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số bò mắc bệnh đã được người dân chữa triệu chứng nên chi cục không lấy được mẫu để xác định type vi rút gây bệnh.
Bên cạnh đó, theo thông tin khi kiểm tra tại hộ ông Ăm Niêm, ngày 28/2, tức là 5 ngày sau khi nhận bò hỗ trợ, ông phát hiện bò mới nhận có biểu hiện chảy nước bọt, ăn ít, viền móng chân sưng, đi lại khó khăn.
Những ngày sau đó, bò nuôi của các hộ dân xung quanh, chăn thả chung bãi chăn cũng có các biểu hiện tương tự. Các hộ nuôi đã tự chữa trị và có báo cho trưởng thôn. “Qua kiểm tra và điều tra dịch tễ, bước đầu chưa nhận định được nguồn dịch.
Tuy nhiên, đàn bò bị bệnh được chăn thả chung bãi chăn với trâu bò của các hộ chưa có bò bị bệnh, tại xã Lìa hiện tại lại không có nhân viên thú y nên công tác tiêm phòng vắc xin LMLM vụ thu 2023 chỉ đạt 39,1%, do đó nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới”, ông Hậu nhận định.
Khẩn trương phòng chống dịch
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Lê Hữu Tuấn thông tin, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo UBND xã Lìa tăng cường giám sát dịch bệnh; tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 lần/ngày.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý việc giết mổ gia súc trong địa bàn khu dân cư trái quy định. Nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn trong thời gian đang xảy ra dịch bệnh.
Đối với các xã, thị trấn còn lại, yêu cầu tổ chức thống kê chính xác đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng loại bệnh. Chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, ổ dịch ở phạm vi nhỏ lẻ.
Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Đồng thời, khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng các loại bệnh nguy hiểm như LMLM, viêm da nổi cục trâu bò, tụ huyết trùng, cúm gia cầm… đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi có nguy cơ cao, đã được tiêm phòng vắc xin nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.
Theo ông Nguyễn Trung Hậu, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục CN&TY đã chỉ đạo Trạm CN&TY huyện Hướng Hóa cử 2 cán bộ phối hợp cùng địa phương tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin LMLM cho đàn trâu bò trên địa bàn xã đạt trên 80% tổng đàn; cấp hóa chất và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt vi rút, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Hướng dẫn và giám sát các hộ có bò bị bệnh tiếp tục nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả rông và thực hiện chăm sóc, chữa trị theo quy trình. “Với các biện pháp quyết liệt nên đến thời điểm này bệnh LMLM tại xã Lìa cơ bản được kiểm soát”, ông Hậu cho hay.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, với tính chất lây lan nhanh của bệnh LMLM và kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu bò vụ thu 2023 trên địa bàn xã Lìa đạt thấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn trâu bò chưa đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, trong đó có nhiều thôn, bản không triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM. Thời gian qua, tại một số xã của huyện Hướng Hóa đã tiếp nhận rất nhiều gia súc từ các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Số gia súc nhập mới này không được nuôi cách ly, theo dõi mà chăn thả chung với đàn gia súc tại địa phương.
Trong khi gia súc mới nhập do thay đổi điều kiện môi trường sống rất dễ nhiễm bệnh hoặc phát bệnh do mang trùng, khi gặp điều kiện bất lợi sẽ phát bệnh. “Mặt khác, dịch bệnh LMLM tại xã Lìa xảy ra từ cuối tháng 2/2024 nhưng địa phương chậm báo cáo, xử lý ổ dịch theo quy định nên mầm bệnh đã phát tán ra diện rộng.
Do đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong thời gian tới là rất cao”, ông Quốc nhận định.
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, theo ông Quốc, huyện Hướng Hóa cần tập trung nguồn lực nhanh chóng dập tắt ổ dịch tại xã Lìa bằng các biện pháp như: cách ly triệt để gia súc mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch, tiêm phòng bao vây ổ dịch. Tạm thời ngừng xuất nhập, nuôi mới gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM như trâu, bò, dê , lợn.
Đối với các địa phương còn lại cần giám sát chặt chẽ đàn gia súc đến từng thôn, bản. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện mắc bệnh LMLM phải báo ngay với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý, tuyệt đối không tự chữa trị khi chưa được tư vấn, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Kiểm soát chặt chẽ không để động vật, sản phẩm động vật có mang mầm bệnh ra vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra các hộ giết mổ, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn, không để xảy ra mua bán, giết mổ gia súc chết, gia súc bị bệnh. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc vụ xuân 2024 đúng tiến độ và đạt trên 80% tổng đàn hiện có tại địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện khi có hoạt động cung cấp giống gia súc, gia cầm thuộc chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế phải thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm dịch; các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị