Quảng Ninh: Thêm 4 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn phòng ngừa, đảm bảo không để dịch lan rộng.

Từ ngày 29 đến 31/5, huyện Hải Hà liên tiếp phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi tại 10 hộ/8 thôn/4 xã (Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Long, Đường Hoa). Trong đó, có 84 con lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy. Ngay khi dịch xảy ra, huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách xử lý ổ dịch, trong đó chú trọng khoanh vùng dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ vùng dịch uy hiếp, vùng đệm và trên toàn địa bàn các thôn… Các xã, thị trấn của huyện khẩn trương rà soát tổng đàn lợn, số hộ nuôi; tăng cường kiểm soát, tuyên truyền hộ nuôi không giết mổ, tiêu thụ lợn bị bệnh gắn với tuyên truyên về tình hình dịch tả lợn châu Phi…

dịch tả lợn Quảng Ninh

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hải Hà kiểm tra khu vực có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thái Hà (Trung tâm TT&VH Hải Hà)

Tại TX Quảng Yên, từ ngày 14 đến 30/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 4 phường, xã là Tiền Phong, Liên Vị, Tân An và Minh Thành của 25 hộ, đã tiêu hủy 133 con lợn chết, nhiễm bệnh. Công tác phun tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch vẫn đang được thị xã tích cực thực hiện. Thị xã đã hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định; tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” với các hộ nuôi lợn trên địa bàn với nội dung: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn.

dịch tả lợn Quảng Ninh

Cán bộ thú y TX Quảng Yên lấy mẫu xét nghiệm lợn trong khu vực phát sinh dịch tả lợn châu Phi.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 4 địa phương trong tỉnh, gồm: Hải Hà; Móng Cái, Đầm Hà, Quảng Yên. Dịch xảy ra tại 68 hộ/25 thôn, khu tại 12 xã, phường, với tổng số lợn chết và tiêu hủy là 406 con. Trước diễn biến của dịch, ngày 22/5, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngay khi phát hiện dịch, Chi cục đã hướng dẫn, phối hợp với địa phương chỉ đạo phòng chống dịch theo quy định. Trong đó, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn; tăng cường khử trùng tiêu độc và đề nghị tổ chức tốt công tác xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan dịch ra diện rộng; phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương; cấp 210 bộ test để chẩn đoán nhanh dịch cho các hộ chăn nuôi tại Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên.

Các địa phương phát hiện dịch đã ban hành quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại các xã có dịch; thành lập các chốt kiểm soát tạm thời tại các khu vực có dịch bệnh. Trong đó TX Quảng Yên có 12 chốt, huyện Hải Hà có 11 chốt. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; trang bị đầy đủ vật tư, hóa chất để thực hiện công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường. Đến nay, các địa phương có dịch đã cấp phát và sử dụng 538 lít hóa chất, 6.275kg vôi bột thực hiện khử trùng vệ sinh môi trường hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan tại các hộ chăn nuôi, chợ kinh doanh, khu giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ vật nuôi kiểm soát các nguồn đầu vào có nguy cơ lây nhiễm dịch, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất từ hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; sát khuẩn người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; không nhập con giống từ các địa phương đang có dịch. Các hộ chăn nuôi thuộc vùng có dịch không nuôi mới, tái đàn khi chưa công bố hết dịch; không đến tham quan trang trại, không tổ chức họp trực tiếp với chủ cơ sở, người tham gia chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại, khu chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn…

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *