Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp đã và đang được các địa phương, đơn vị chăn nuôi trong tỉnh tập trung triển khai.
Những năm gần đây, các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh có trên 240 trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nổi bật là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ…
Mô hình chăn nuôi bò tại Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái).
Hiện một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã có những bước đầu tư bài bản như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường; Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh… Đơn cử như Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh, với tổng đàn bò của doanh nghiệp mỗi năm lên đến 20.000 – 30.000 con. Hiện nay, trang trại bò Phú Lâm đã đạt tiêu chuẩn Global GAP. Để đạt được tiêu chuẩn này, công ty đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu thức ăn đảm bảo không gần hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện giám sát lâm sàng động vật, lấy mẫu xét nghiệm các vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe vật nuôi, lưu thông tin quá trình vật nuôi bị bệnh và điều trị bệnh; đảm bảo trong thời gian 12 tháng trước đó không xảy ra dịch bệnh lớn, không có ca bệnh lâm sàng và ca mắc của bệnh được cấp chứng chỉ an toàn…
Cùng với các doanh nghiệp, tại các địa phương việc chuẩn hóa quy trình chăn nuôi cũng từng bước được đẩy mạnh thực hiện. Điển hình, như tại TX Đông Triều, địa phương xác định mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững không chỉ chuẩn hoá các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thiết kế chuồng trại mà còn đảm bảo khâu vận hành sản xuất, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học, thú y, phòng chống dịch bệnh, đồng thời đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi. Theo đó, hiện nay, các trại nuôi lợn trên địa bàn đều chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ để kiểm soát đầu vào với sự giám sát của ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: Song song với chuẩn bị giống, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định. Các hộ chăn nuôi lợn tại các xã, phường thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc được thực hiện định kỳ hàng tuần; kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn để ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào chuồng trại. Đồng thời, tích cực chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vắc-xin đối với các bệnh do virus… Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn thị xã đạt trên 1 triệu con; trong đó đàn trâu, bò trên 3.300 con, đàn lợn gần 55.000 con, đàn gia cầm trên 950.000 con, thị xã đặt mục tiêu, ngành chăn nuôi chiếm 48,3% cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Đồng thời, phấn đấu đạt và duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1,1 triệu con.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%), rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, lượng chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày, đêm. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Để gỡ “nút thắt” trong chăn nuôi này, theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường. Đồng thời, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh. Mặt khác, tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Về lâu dài, tỉnh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.
Nguyễn Thanh