Quảng Ninh: Siết chặt kiểm soát nhập lậu sản phẩm chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường phối hợp, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn qua biên giới, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều vụ việc bị phát hiện 

Ngày 10/8 vừa qua, tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Tổ công tác Công an huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã kiểm tra và phát hiện một xe ô tô tải vận chuyển 3.266 con gà giống và 24.000 quả trứng gà, vịt không rõ nguồn gốc. Lái xe không xuất trình được giấy tờ, thủ tục, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm dịch của số hàng trên. Công an huyện Vân Đồn đã tạm giữ phương tiện, số gà giống và trứng để tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước đó, ngày 5/7, tại thành phố Móng Cái, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan tỉnh kiểm tra phát hiện một xe ô tô vận chuyển 20.240 con vịt con giống (khoảng 1 – 2 ngày tuổi). Qua kiểm tra, lái xe khai nhận mua số vịt giống này tại Móng Cái về bán kiếm lời, tuy nhiên số hàng hóa trên lại không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Vụ việc sau đó đã được xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định. 

nhập lậu chăn nuôi

Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, bắt giữ xe ô tô vận chuyển vịt giống không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Đức

Ngày 3/6, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường cũng đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ Công an thành phố Móng Cái tiến hành khám thùng container và đầu kéo phát hiện phương tiện vận chuyển 2.220 thùng carton chứa 24.420 kg chân gà đông lạnh. Toàn bộ số hàng trên là của ông Nguyễn Thành Long, trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Lực lượng chức năng đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt chủ lô hàng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ hàng hóa theo quy định.

Tăng cường đẩy mạnh, kiểm soát chặt

Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm 249 trường hợp, phạt tiền trên 2,5 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cơ quan đã cùng phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực, tuy nhiên tình hình vận chuyển thực phẩm, con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp cả trên tuyến đường bộ, đường biển và địa bàn biên giới.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật tại các địa bàn, khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, không tham gia tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, động vật, sản phẩm động vật; không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương đẩy mạnh kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa trên bộ, trên biển; nắm tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Việc buôn bán, nhập lậu số lượng lớn giống vật nuôi vào nội địa có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. Trước tình trạng nhập lậu giống vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Ủy ban nhân dân tỉnh về ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. 

Trong đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng, Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông, đường bộ… kịp thời ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *