Quảng Ninh: 314 khu vực không được phép chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Tại Kỳ họp thứ 22 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Nghị quyết về Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Nghị quyết đã thông qua 314 khu vực (thôn/khu) không được phép chăn nuôi tại các khu vực nội thành của 13/13 thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh và các khu chung cư, nhà ở xã hội, khu tái định cư tập trung, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

chăn nuôi quảng ninh

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ áp dụng một số giải pháp để giảm chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung. Ảnh: Nguyễn Thành

Các chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi thực hiện theo Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ. Rà soát chi tiết theo Nghị quyết, Quảng Ninh hiện có 761 hộ chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó, 87,8% là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi dưới 2 con trâu bò, dưới 5 con heo, dưới 50 con gia cầm.

Các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp đối với 761 hộ đang chăn nuôi, trong đó 502 hộ đồng thuận dừng sản xuất (chiếm tỷ lệ 65,96%) chấp hành quy định của nhà nước; một số hộ chăn nuôi chưa đồng thuận, muốn tiếp tục chăn nuôi tại gia đình và có đề xuất một số chính sách hỗ trợ để tháo dỡ, di dời. Tỉnh cũng đã thực hiện lấy 52.708 ý kiến/13 địa phương trên địa bàn, tỷ lệ đồng thuận đạt 94,93%.

Phát biểu tại Kỳ họp, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Nghị quyết được thông qua nhằm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán hiệu quả thấp, chuyển dần sang mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, tập trung, nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng, cảnh quan đô thị góp phần triển khai có hiệu quả quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018. Nghị quyết này sẽ giúp quản lý, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện cảnh quan đô thị.

Việc chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo môi trường sống, chất lượng sản phẩm chăn nuôi và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Quảng Ninh.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến đến các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất chăn nuôi, nguồn lực đầu tư hạ tầng dùng chung… đáp ứng các quy định theo Luật Chăn nuôi và đảm bảo các mục tiêu, định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Theo số liệu rà soát của các địa phương, hiện tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn rất cao, trên 96% với gần 40.000 cơ sở. Trong đó, đàn heo 270.000 con (trang trại tập trung chiếm 25%); đàn gia cầm 5,4 triệu con (trang trại tập trung chiếm 40%); đàn bò 27.000 con (trang trại tập trung chiếm 42%) và đàn trâu 24.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 103.000 tấn/năm; trứng 62 triệu quả. Điều đáng nói là trong tổng số gần 40.000 cơ sở thì toàn tỉnh mới có 1.244 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã và cũng chỉ có 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAHP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *