Hơn 12.800 con trâu, bò bị nhiễm bệnh; hơn 450 con đã bị chết, phải tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Nhà nông bổng chốc trắng tay vì trâu bò lăn đùng ra chết.
Bổng chốc trắng tay
Chúng tôi về thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) gặp chị Nguyễn Thị Diệp, người nông dân có đến 3 con bò chết vì bệnh VDNC phải tiêu hủy. Túi thuốc sát trùng màu xanh vẫn còn treo lủng lẳng bên mái hiên nơi chuồng bò trống hoác.
Gần 2 năm trước, 3 con bò cái của gia đình chị sinh được 3 con nghé. Mọi hy vọng sinh kế trong gia đình chỉ trông chờ vào đàn bò này.
Đàn bò đã đạt tổng trọng lượng 500 kg hơi, thương lái đã trả giá 130 triệu đồng. Vợ chồng chị chưa kịp mừng, dự định nuôi thêm vài tháng nữa cho mập mạp xuất bán thì đàn bò nhiễm bệnh.
Chị Diệp bên chuồng bò trống hoác vì 3 con bò đã bị chết, phải tiêu hủy.
Những con bò đang khỏe mạnh, bỗng chốc xuất hiện các triệu chứng nổi những cục như quả trứng chim khắp toàn thân. Gần 20 ngày gia đình chị mất ăn mất ngủ để lo chạy chữa cho đàn bò.
Chị gọi nhân viên thú y tới chích thuốc hết 3 triệu đồng, rãi vôi, phun hóa chất tiêu độc khử trùng vẫn không cứu chữa được cho đàn bò. “Hồi giờ nhà nông chưa gặp bệnh này. Bò rống lên một hồi rồi lăn đùng ra chết. Bò đang được giá, nếu không bị bệnh tôi đã bán được gần 140 triệu đồng. Bấy nhiêu là tài sản quá lớn, nhắc đến tôi ứa nước mắt” – chị Diệp rầu rĩ nói.
Nông dân Tiêu Viết Hiếu, ở thôn Xuân Yên Tây, xã Bình Hiệp cũng buồn bã có 2 con bò thì 1 con đã bị chết, phải tiêu hủy vì bệnh. Con bò bị chết đã đạt trọng lượng đến 130 kg hơi. Đối với nông dân, con trâu, bò là tài sản rất lớn. Khi trâu, bò bị chết, phải tiêu hủy, nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay.
Trâu, bò bị bệnh VDNC bị nổi cục khắp toàn thân.
Sẽ được hỗ trợ thiệt hại
Bệnh VDNC trên trâu, bò là do vi rút gây ra. Đây là loại vi rút mới lây từ Trung Quốc sang Việt Nam, Lần đầu tiên chúng xuất hiện vào tháng 10.2020 tại tỉnh Lạng Sơn và lây lan dần dần ra các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh miền Trung.
Vi rút lây truyền bệnh bằng nhiều con đường, nhưng chủ yếu là do côn trùng đốt hút máu như ruồi, muỗi, ve. Trong đó, loài ruồi hút máu có tên khoa học là “Stomoxys calcitrans” là thủ phạm chính. Loài ruồi này có đặc điểm sinh học là sau khi hút máu con bệnh có thể bay xa theo gió trong khoảng 100 km, tiếp tục hút máu con khỏe truyền vi rút gây bệnh, làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tại Quảng Ngãi, dịch bệnh VDNC xuất hiện từ cuối tháng 2.2021 tại huyện Bình Sơn. Huyện Bình Sơn có khoảng 5.000 con bị nhiễm bệnh, trong đó 347 con đã chết, phải tiêu hủy.
Dù cơ quan thú y cùng các địa phương đã nỗ lực khống chế, thế nhưng, dịch bệnh vẫn lây lan ra 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh hiện có hơn 12.800 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, hơn 450 con bị chết, phải tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người dân.Ước thiệt hại gần 11 tỷ đồng.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan và kéo dài vì đang trong mùa ruồi hút máu phát triển
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan và kéo dài nhiều tháng vì đang trong mùa ruồi hút máu phát triển, trong khi đó số lượng vắc xin tiêm tổng đàn mới được 50.000 liều trong khi nhu cầu là 300.000 liều (90% tổng đàn).
Loại dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và chưa có tên trong Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch của Bộ NN&PTNT. Để có căn cứ thực hiện các biện pháp chống dịch, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã đề xuất bổ sung bệnh VDNC vào Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, người chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh chết, tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT gửi văn bản đến các huyện, thị xã, thành phố thống kê thiệt hại để Chi cục tổng hợp trình cho UBND tỉnh.
Bài, ảnh: A.Kiều
Nguồn: Báo Quảng Ngãi