Giá trâu giảm từ 50 – 60% so với trước dịch Covid-19. Nhiều nơi không có thương lái đến mua, trong khi giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi thua lỗ.
Giá giảm vẫn không có người mua
Những năm qua, nhiều nông dân, nhất là nông dân ở các địa phương miền núi đã đầu tư phát triển chăn nuôi trâu thịt. Nghề nuôi trâu đã mang lại thu nhập khá cho hàng nghìn hộ dân miền núi, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, trâu bí đầu ra, giá giảm chạm đáy nhưng vẫn không có người mua.
Gia đình ông Đinh Văn Tài, ở thôn Gò Gạo, xã Sơn Thành (Sơn Hà) cho biết, những năm trước, trâu nghé 1 năm tuổi có giá từ 15 – 17 triệu đồng, trâu thịt có giá từ 25 – 40 triệu đồng. Người nuôi trâu không phải lo lắng đầu ra vì thương lái đến tận chuồng hỏi mua. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng từ đàn trâu.
Thế nhưng, hiện nay gia đình ông Tài đang nuôi 11 con trâu, trong đó có 7 con trâu hơn 3 năm tuổi, nhưng chưa biết bán cho ai. “Nhiều người không bán được chứ không riêng gì mình. Trâu không giống bò, mổ thịt bán cũng khó ai mua. Giá thức ăn thì liên tục tăng. Trâu là vật nuôi ăn rất khỏe, nuôi càng lâu càng lỗ nặng”, ông Tài than thở.
Trâu bí đầu ra trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Cùng thôn với ông Tài, ông Đinh Văn Nót cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Nót đang nuôi 9 con trâu, trong đó có 5 con trâu thịt và 4 con trâu con nghé. Bao nhiêu tiền của, công sức dồn hết vào đàn trâu giờ bí đầu ra nên cuộc sống của gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn.
Không chỉ ở miền núi mà ở đồng bằng dù lượng trâu nuôi ít hơn nhưng các hộ nuôi trâu cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Ngồi nhìn đàn trâu lững thững gặm cỏ trên đồng ruộng chị Nguyễn Thị Trang, ở thôn An Hòa Bắc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) thở dài. Chị Trang đang nuôi 5 con trâu cái. Trước đây, trâu cái có giá từ 40 – 50 triệu đồng nay chỉ còn 15 triệu đồng mà thương lái còn kì kèo không muốn mua. Mỗi con trâu mất trắng 25 đến 35 triệu đồng. Chị Trang nhẩm tính, giá này gia đình chị lỗ vốn hơn 150 triệu đồng và lỗ cả công nuôi suốt 3 năm.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp
Theo các thương lái, lâu nay thị trường tiêu thụ trâu thịt là Trung Quốc. Trước đây, thương lái thu mua trâu trên cả nước dồn về các tỉnh biên giới phía Bắc rồi xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò nên phía Trung Quốc đóng biên, dẫn đến không xuất bán được, chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước, nên giá trâu giảm mạnh và sức tiêu thụ thấp.
Giá trâu giảm mạnh do thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc giảm.
Hiện tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh có gần 67 nghìn con, nhiều nhất là huyện Sơn Hà với hơn 12,2 nghìn con. Những biến động của thị trường thời gian qua khiến nhiều hộ chăn nuôi trâu bị thua lỗ nặng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đỗ Văn Chung khuyến cáo, người chăn nuôi không nên tăng đàn trong thời điểm này, cần theo dõi nhu cầu thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không có để bán.
Về thức ăn chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp để thích nghi, như thay đổi khẩu phần ăn, tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Các hộ chăn theo quy mô vừa và nhỏ cần tận dụng lợi thế các vùng đồi gò trồng các loại cây ngắn ngày để sử dụng làm thức ăn, nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần làm tăng thu nhập. Ngoài ra, cần tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò.
Người chăn nuôi cũng cần tập trung phòng, chống dịch cho tốt để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; liên kết thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác nhiều hộ để mua vật tư đầu vào với số lượng lớn, nhằm giảm giá thành. Khi bán sản phẩm với số lượng lớn ổn định sẽ được các công ty tiêu thụ ưu tiên ký kết hợp đồng đầu ra sản phẩm, tiến đến xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Ái Kiều
Nguồn: Báo Quảng Ngãi