Hơn 20 ngày qua, dịch tả heo Châu Phi (ASF) tái bùng phát và lây lan mạnh trở lại, khiến nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh lao đao.
Nhìn 5 con heo của gia đình mắc bệnh ASF, phải tiêu hủy, bà Nguyễn Thị Hà, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) cho biết, mấy ngày trước, tôi thấy một con trong chuồng biếng ăn, chưa kịp xử lý thì 2 con heo đột ngột chết. Tôi báo với cán bộ thú y xã, sau đó ngành chức năng kiểm tra và xác định heo nhà tôi bị bệnh ASF, nên phải tiêu hủy toàn bộ, để tránh dịch lây lan. “Giá heo tăng, tôi khấp khởi mừng, vì sẽ có thêm ít tiền trả nợ. Ai ngờ lại gánh thêm nợ. Dịch bệnh xuất hiện và lây lan quá nhanh, tôi không có cách nào để xử lý”, bà Hà nói buồn.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, dịch ASF tái xuất hiện tại 699 cơ sở chăn nuôi, ở 152 thôn thuộc 60 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, tổng số heo bị chết và tiêu hủy là 2.867 con. Trong đó, giai đoạn từ ngày 30/7 đến cuối tháng 10 có 2.164 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy, tập trung ở các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh…
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường để phòng dịch tả heo Châu Phi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết, nguyên nhân khiến dịch ASF tái bùng phát và lây lan nhanh trong thời gian vừa qua là do người chăn nuôi tái đàn mạnh, nhưng hầu hết ở quy mô nông hộ, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi nhầm triệu chứng bệnh ASF với một số bệnh khác, dẫn đến việc xử lý chậm, khiến dịch ASF lây lan nhanh, trong khi công tác giám sát dịch bệnh tại một số địa phương còn hạn chế.
Để phòng, chống bệnh dịch ASF, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xuất cấp 10 nghìn lít hóa chất (trong đó có 5.000 lít vừa được trung ương hỗ trợ) để các địa phương tập trung tiêu độc khử trùng môi trường. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn thời điểm này nếu không đảm bảo các tiêu chí về con giống, thức ăn, vệ sinh và cách ly chuồng trại… Tuy nhiên, vì chăn nuôi nông hộ, nên hầu hết không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; cộng với nhu cầu mua bán, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo những tháng cuối năm tăng, nên người chăn nuôi thường nôn nóng tái đàn… dẫn đến công tác phòng, chống dịch ASF gặp rất nhiều khó khăn.
“Dịch ASF chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, biện pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi sớm nhận biết triệu chứng của bệnh ASF, tuyệt đối không giấu dịch, hoặc mua bán, giết mổ heo mắc bệnh ASF… Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch ASF”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết.
Bài, ảnh: Thanh Phong
Nguồn: Báo Quảng Ngãi