Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nông dân vẫn duy trì sản xuất, tập trung tái đàn gia súc, gia cầm để cung ứng cho vụ chính thị trường Tết Nguyên đán 2022 sắp tới.
Vụ chính của năm
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá heo hơi giảm mạnh trên thị trường trong nhiều tháng qua, có thời điểm chỉ ở mức 50 nghìn đồng/kg.
Bà Trần Thị Hoa – hộ nuôi heo lâu năm ở thôn Đồng Thanh Sơn (xã Bình Định Nam, Thăng Bình) cho biết, đã bán 10 con heo thương phẩm vào đầu tháng 9 chỉ với 45 triệu đồng.
Trong khi đó, do giá thức ăn, vật tư đầu vào, thuốc men tăng cộng với con giống giá 2,5 triệu đồng, tính ra chỉ thu đủ bù chi, không có lãi. Đến đầu tháng 10, bà Hoa nuôi 20 con heo để bán cho thị trường tết.
“Vụ tết là vụ chính mỗi năm nên tôi chú trọng đầu tư, kỳ vọng sẽ có nguồn thu khá” – bà Hoa nói.
Các hộ nuôi heo nhỏ lẻ ở Bình Định Nam cũng đã đầu tư cho đàn heo mới từ đầu tháng 10 đến nay tuy nhiên hạn chế số lượng, chủ yếu nuôi 3 – 5 con để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phục vụ gia đình và bán ra thị trường tết sắp tới.
Ông Trần Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, trung bình những năm trước, đàn heo cung ứng ra dịp tết của địa phương khoảng 1.000 con, năm nay giảm khoảng 20%.
Theo ông Bảo, người dân khá dè dặt trong tái đàn, tăng đàn heo, bởi giá thức ăn, thuốc men, vật tư vẫn ở mức cao, nhưng giá heo thương phẩm lại thấp. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19 nên dự báo sức tiêu thụ dịp tết sẽ không quá cao; địa phương đã khống chế dịch tả lợn châu Phi nhưng ở các khu vực lân cận, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gia cầm cũng tất tả bước vào vụ chính. Ông Bùi Việt Tín (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) đã đầu tư nuôi 15.000 con gà thả vườn cung ứng thị trường cuối năm. Để chống lạnh cho gà trong những ngày sắp tới, ông Tín mua bạt phủ quanh 5 lán nuôi gà.
Ông Tín cho biết, bảo vệ môi trường trong nuôi gà là rất cấp thiết, nên đầu tư gần 10 tạ chế phẩm sinh học để thực hiện các bước khử mùi hôi, tạo không khí sạch trong mỗi lán chuồng trại giúp gà sinh trưởng tốt.
Ông Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết, trên địa bàn có đến 400 hộ chăn nuôi gia cầm đang bước vào vụ chính, chủ yếu là gà, vịt ta, vịt xiêm; hầu hết các hộ áp dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.
Hỗ trợ người nuôi
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, thời điểm này, hầu hết cơ sở chăn nuôi gia cầm, gia súc đang tái đàn để có sản phẩm phục vụ tết sắp đến, tuy vậy từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố bất lợi.
Trước hết là diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, lạnh cộng với nguồn thức ăn khan hiếm dễ dẫn đến giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là ở các địa phương miền núi. Khả năng bão lũ xảy đến gây thiệt hại lớn tổng đàn vật nuôi.
Dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh do chưa có vắc xin để phòng, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Gia súc đã hết miễn dịch nhưng chưa được tiêm vắc xin đợt 2 năm 2021 nên có thể gây thêm bệnh lở mồm long móng ở trâu bò, dịch tả ở heo. Dịch bệnh cúm gia cầm nguy cơ xảy ra do hầu hết người chăn nuôi chưa chú tâm tiêm vắc xin phòng bệnh.
“Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở nhiều địa bàn trọng điểm như Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, nếu không kịp thời khống chế sẽ xảy ra khan hiếm thịt heo vào dịp tết. Đối với gia cầm thịt, dịch bệnh ổn định nên chăn nuôi khá thuận lợi, tuy nhiên, nếu tăng đàn ồ ạt, không chủ động liên kết tiêu thụ dễ xảy ra ứ đọng cục bộ sản phẩm” – ông Hoàng nói.
Hiện nay ngành chăn nuôi & thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét trên vật nuôi. Để ổn định chăn nuôi lâu dài, người chăn nuôi cần tham gia các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài tránh rủi ro về đầu ra, việc tham gia liên kết cũng giúp người chăn nuôi nâng dần trình độ sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Việt Nguyễn
Nguồn: Báo Quảng Nam