Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa (Quảng Trạch) cho biết, DTLCP xuất hiện trở lại trên địa bàn xã Phù Hóa vào ngày 19/7/2021 tại gia đình anh Hoàng Dũng Tráng, thôn Trường Long.
Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND xã Phù Hóa đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch thực hiện các biện pháp tiêu hủy số lợn chết theo quy định. Bên cạnh đó, xã đã chủ động trích kinh phí mua vật tư, hóa chất, phun tiêu độc khử trùng các địa điểm xảy ra dịch bệnh, khu vực trọng điểm và các trục đường chính trên địa bàn.
Chính quyền xã Phù Hóa đã hướng dẫn các hộ dân gần kề gia đình có gia súc bị DTLCP chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, cách ly và bảo vệ đàn vật nuôi; các thôn có dịch thực hiện nghiêm chỉ đạo không được bán gia súc ra khỏi địa bàn.
Để chủ động phòng, chống DTLCP, xã Phù Hóa đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn; hướng dẫn các chủ lò mổ, hộ gia đình kinh doanh buôn bán thịt lợn trên địa bàn không tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và không tiêu thụ thịt lợn từ các vùng khác về; cắm biển cấm vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch và đưa thịt lợn từ ngoài vào địa bàn.
Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch, DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh không chỉ lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, ký chủ trung gian quá đa dạng (ve, chuột, ruồi…).
Tính đến ngày 20/7/2021, trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xảy ra DTLCP tại 20 thôn/8 xã làm 367 con lợn chết, đã tiêu hủy với trọng lượng 15.519 kg. Để phòng, chống dịch bệnh, trung tâm đã tiếp nhận và phân bổ hơn 910 lít hóa chất và 6.700 kg vôi bột cho các địa phương để khử trùng chuồng trại và đàn vật nuôi; hướng dẫn các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời.
Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm lợn có dấu hiệu mắc bệnh DTLCP trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc vào địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trước tình hình DTLCP đang xuất hiện ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các huyện tập trung khống chế dịch, khoanh vùng phun hóa chất làm vệ sinh môi trường; đồng thời, lập các chốt kiểm dịch, ngăn chặn các hình thức vận chuyển, buôn bán gia súc ở địa bàn vùng dịch.
Để góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do DTLCP gây ra, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện giám sát, xử lý, báo cáo ổ dịch kịp thời, đúng quy định với phương châm: “Phát hiện sớm, báo cáo kịp thời, tiêu hủy triệt để”.
UBND cấp xã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật ở các trục đường liên thôn, liên xã; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn, đặc biệt là các ổ dịch và vùng nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ trên địa bàn, chỉ cho phép giết mổ lợn tại cơ sở đạt yêu cầu và lợn đã được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP.
Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP; hướng dẫn người dân tăng đàn, tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
Theo ông Trần Công Tám, do ảnh hưởng của DTLCP, tổng đàn lợn toàn tỉnh đã giảm nhiều so với kế hoạch. Để bảo đảm cho việc tái đàn sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không nên “quay lưng” với thịt lợn làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.
Để dịch bệnh không lây lan trong diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền liên tục cho người dân tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc…
Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn cùng với sự tích cực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, kỳ vọng DTLCP sẽ sớm được kiểm soát, không chế.