Quảng Bình: Phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát chặt các ổ dịch để không bị lây lan.

Dịch bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 4, đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), chỉ trong thời gian ngắn, đến nay dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều huyện, như: Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh.

Bà Trần Thị Thơ, thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Gia đình bà có nuôi 1 con bò mẹ và 1 bê con, bò mẹ có tiêm phòng các loại vắc-xin nhưng bê con còn non nên chưa tiêm được. Khi thấy bê có biểu hiện khác lạ như sốt cao, bỏ ăn và da nổi u cục, gia đình đã báo cáo với chính quyền địa phương. Ngay khi biết bê bị bệnh VDNC, gia đình đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn hỗ trợ khoanh vùng, cách ly bê con bị bệnh, đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại không để bệnh lây lan, bùng phát.

Ông Trần Thanh Tùng, cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Hiền Ninh cho hay, hiện địa phương có tổng đàn trâu, bò gần 600 con. Sau khi kiểm tra các hộ nuôi trâu, bò báo bị bệnh, địa phương đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC cho đàn trâu, bò tại các thôn, phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi, khoanh vùng dịch, đồng thời khuyến cáo các hộ chăn nuôi không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết ra môi trường bên ngoài để tránh lây lan dịch bệnh.

phòng viêm da nổi cục

Phun tiêu độc, khử trùng tại các chuồng nuôi bò bị bệnh.

Còn tại huyện Tuyên Hóa, dịch bệnh VDNC được phát hiện đầu tiên tại thị trấn Đồng Lê, đến nay đã lan ra thêm tại xã Thuận Hóa và Thạch Hóa với 10 con bò bị mắc bệnh. Theo ông Phạm Anh Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa: Sau khi phát hiện ổ dịch, UBND huyện đã có quyết định về việc công bố dịch đối với bệnh VDNC trên trâu, bò tại các xã trên. Huyện cũng yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường tiêm phòng vắc-xin VDNC; tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh lây lan rộng. Đặc biệt, các xã, thị trấn nằm trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, thành lập các tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 1/5, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra ở 11 xã, thị trấn thuộc 4 huyện làm 31 con bò mắc bệnh, trong đó có 4 con chết. Hiện, còn 8/11 xã thuộc 4 huyện có dịch chưa qua 21 ngày. Ngay khi nắm bắt thông tin có gia súc mắc bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cử cán bộ phối hợp với địa phương tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, vệ sinh môi trường, cách ly gia súc bị ốm ra khu vực riêng để điều trị; hướng dẫn các hộ đang có trâu, bò mắc bệnh tăng cường chăm sóc, điều trị nhằm giúp cho vật nuôi nhanh chóng hồi phục, hạn chế thấp nhất trâu, bò chết do bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình khuyến cáo, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Hầu hết số trâu, bò mắc bệnh VDNC đều chưa được tiêm phòng năm 2023, một số địa phương là ổ dịch cũ với bệnh VDNC như xã Quảng Lưu (Quảng Trạch); công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chưa bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển. Đặc biệt, trong thời tiết nóng ẩm như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh VDNC sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan tại các địa phương là rất lớn do tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin VDNC đợt 1/2024 đạt thấp (đến nay mới chỉ tiêm được 4.535/95.000 liều, đạt 4,8% so với kế hoạch). Đến ngày 23/4, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai tiêm loại vắc-xin này, như: TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa.

Bên cạnh đó, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, số trâu bò thả rông lớn; chưa chú trọng đến việc tiêm vắc-xin phòng ngừa, công tác quản lý, kiểm soát việc vận chuyển mua bán, giết mổ trâu, bò tại nhiều địa phương còn hạn chế khiến mầm bệnh dễ lây lan, phát tán và khó kiểm soát.

Thời gian tới, để ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và phòng, chống các dịch bệnh trên vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin nhằm tạo miễn dịch bảo hộ cho đàn gia súc và tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc nhập vào địa bàn; có giải pháp quyết liệt đối với chính quyền các địa phương không triển khai tiêm phòng vắc-xin và tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra.

Đối với các địa phương đang có dịch bệnh VDNC, cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác; tổ chức tiêm phòng vắc-xin VDNC tối thiểu đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn trâu, bò hiện có; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán, giết mổ, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò trên địa bàn; tiếp tục tổ chức phun tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng tại khu vực chăn nuôi sau khi đã thực hiện vệ sinh cơ giới, khơi thông cống rãnh thoát nước, thu gom xử lý chất phân, độn chuồng…

Thanh Hoa

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *