Giá bán trâu, bò đang xuống thấp chưa từng có thời gian qua, khiến người chăn nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với không ít khó khăn.
Với người dân miền núi huyện Tuyên Hóa, chăn nuôi trâu, bò là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Do đó, những năm gần đây, số lượng đàn gia súc trên địa bàn huyện Tuyên Hóa phát triển mạnh và là một trong những địa phương có số lượng đàn trâu, bò lớn của tỉnh.
Gia đình ông Trần Ngọc Viễn là một trong những hộ dân luôn duy trì số lượng đàn bò nhiều ở thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa. Những năm trước, trung bình mỗi năm gia đình ông vẫn bán đều đặn từ 2 – 3 con bò. Thế nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, ông Viễn không bán được con nào. Đàn bò trong chuồng ông vốn chỉ có 4, 5 con, nhưng giờ đây đã lên đến 8 con.
Ông Trần Ngọc Viễn cho biết: “2 năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ trâu, bò có chững lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng giá bán trâu, bò lại giảm sâu”.
Trước đây, trung bình mỗi con bò, ông Viễn bán được trên dưới 30 triệu đồng, nhưng giờ đây chỉ còn lại dưới 20 triệu đồng. Có thời điểm, vì cần tiền và số lượng đàn quá đông, việc dự trữ, tìm kiếm thức ăn cho bò không đủ, ông muốn bán nhưng thương lái cũng không tha thiết gì.
Người chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Tuyên Hóa lao đao vì giá tiêu thụ xuống thấp.
“Với người nông dân chúng tôi, để chăn nuôi được một con bò rất vất vả. Nhưng vất vả vẫn phải chăn nuôi, chứ chỉ trông chờ vào ít sào ruộng làm sao sống được. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi bò, tôi cũng đã chuyển 6 sào ruộng lúa sang trồng cỏ. Nhưng chừng đó diện tích chỉ đủ cung cấp thức ăn cho 4 – 5 con chứ 8 con thì không thể đủ thức ăn để duy trì đàn. Năm tới, giá cả dù có thế nào, chắc tôi cũng phải bán chứ không thể cầm cự mãi thế này được”, ông Viễn trăn trở.
Không thể bán cho thương lái vì giá bán trâu, bò xuống thấp và vì không có nguồn thức ăn cung cấp, nhiều hộ dân chăn nuôi ở xã Thạch Hóa buộc phải tự mổ thịt trâu, bò để bán. Gia đình anh Hoàng Duy Thắng, ở thôn 3 Thiết Sơn vừa tự mổ 1 con bò để bán. Anh Thắng cho hay, gia đình anh nuôi 3 con bò, trong đó có 2 con bê đã đến thời gian bán. Nhưng suốt 2 tháng trước, anh gọi người đến bán bò nhưng không ai đến mua.
“Cũng có người đến mua, nhưng chỉ trả giá hơn 9 triệu đồng, trong khi trước đó, mỗi con bê có giá hơn 18 triệu đồng. Nông dân chúng tôi chăn nuôi chỉ cốt lấy công làm lãi, mà giờ giá thấp quá, nếu bán thì lỗ to, mà không bán thì không có đủ thức ăn để duy trì đàn. Tính mãi, tôi mới tự mổ để bán thịt, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Vì mổ bán cũng thu được mỗi con từ 12 – 13 triệu đồng”, anh Hoàng Duy Thắng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa cũng trong tình cảnh tương tự. Nhà bà Hồng có nuôi 4 con bò. Trước đây, mỗi năm gia đình bà bán 2 con bê với giá hơn 30 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, bà chưa bán được con nào do giá bê xuống thấp.
Bà Hồng cho biết: “Không hiểu tại sao, giá cả thịt bò trên thị trường vẫn cao, mà giá bán lại xuống thấp đến vậy, làm người nông dân đã khổ, lại còn thiệt đơn thiệt kép. Nhiều người trong thôn Bắc Hóa không chủ động được thức ăn cho trâu, bò, cũng buộc phải tự mổ bán. Trâu, bò cứ mổ thịt ra rồi chạy chợ, đứng đường để bán hoặc nhờ anh em, bà con trong thôn mua giúp. Mà mua giúp thì chủ yếu là khất nợ. Để chăn nuôi được trâu, bò, cần đầu tư nguồn vốn lớn, mà giá bán bấp bênh như thế này, thì làm sao mà phát triển được”.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) Trần Văn Bằng cho biết, xã Thạch Hóa là một trong những địa phương có số lượng đàn chăn nuôi gia súc khá lớn trên địa bàn huyện. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, giá cả trâu, bò xuống quá thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn gia súc chăn nuôi và thu nhập của người dân. Giai đoạn 2020-2025, xã Thạch Hóa xác định phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm làm khâu đột phá. Thế nhưng, giá cả đầu ra trâu, bò “rớt sâu” như thế này, người dân cũng khó có thể kiên nhẫn để duy trì và phát triển đàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương xác nhận: “Hiện giá bán gia súc, nhất là trâu, bò trên địa bàn huyện xuống thấp. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn phải tự mổ thịt trâu, bò để bán. Điều đó khiến cho việc kiểm soát an toàn giết mổ, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc của cơ quan chức năng rất khó khăn, nhưng cấm người dân tự giết mổ cũng không được. Trước mắt, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền vận động người dân duy trì đàn vật nuôi, đồng thời vận động các hộ chăn nuôi liên kết trong sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ, phát triển chăn nuôi tập trung. Về lâu dài, huyện đang tích cực triển khai đề án phát triển chăn nuôi tập trung trên các vùng đã quy hoạch và khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lớn vào liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững”.
Dương Công Hợp
Nguồn: Báo Quảng Bình