Phương pháp làm đệm lót sinh học trong nuôi gà

(Người Chăn Nuôi) – Sử dụng đệm lót sinh học nuôi gà là giải pháp chăn nuôi không mùi hôi hiệu quả, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm. Ðồng thời khả năng tiêu hóa hấp thụ thức ăn của gà được cải thiện tốt hơn mà không cần trộn các chất kích thích. Từ đó giúp nâng cao chất lượng thịt, trứng và đạt năng suất vượt trội hơn.

Sử dụng trấu

Cách làm này thích hợp sử dụng để úm gà hoặc nuôi gà thịt với quy mô 30 – 50 m2. Tiến hành làm chế phẩm men rất đơn giản, cần mua 1 kg chế phẩm sinh học cho gà trộn cùng 5 – 7 kg bột bắp hay cám gạo. Cho thêm khoảng 2,5 – 3,2 lít nước sạch rồi xoa cho ẩm đều. Cho vào túi hay thùng, để ở chỗ có nhiệt độ ấm, ủ 2 – 3 ngày. Nếu thời tiết mùa đông cần giữ nhiệt độ ủ ấm để không làm giảm chất lượng của đệm lót. Lưu ý, trước khi sử dụng cần phải làm chế phẩm men trước 2 – 3 ngày.

– Bước 1: Tiến hành rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với độ dày khoảng 10 cm. Sau đó thả gà vào.

– Bước 2: Ðối với gà nuôi úm thì sau 7 – 10 ngày, còn nếu gà nuôi thịt thì 2 – 3 ngày, quan sát xem bề mặt chuồng khi nào thấy phân gà đã được trải kín thì dùng cào để cào sơ lớp mặt đệm lót. Lưu ý, khi cào phải quây gà gọn lại một phía để tránh làm xáo trộn đàn gà.

– Bước 3: Cào xong lớp mặt tiến hành rắc chế phẩm để lên men toàn bộ bề mặt chất độn. Tiếp tục sử dụng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều khắp mọi vị trí.

đệm lót sinh học nuôi gà

Mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Ảnh: Khuyennonghaiphong

 

Sử dụng mùn cưa hay kết hợp mùn cưa và trấu

Mùn cưa có đặc điểm thấm hút tốt, do vậy sử dụng kết hợp với trấu sẽ giúp làm đệm sinh học tốt nhất, mang lại hiệu quả trong chăn nuôi gà, vịt, ngan, thỏ… Cách làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà quy mô 30 – 50 m được thực hiện theo quy trình sau: Rải lớp mùn cưa với độ dày khoảng 15 cm lên nền chuồng. Trường hợp sử dụng trấu thì phải trải 8 cm trấu rồi sau đó hãy trải 7 cm mùn cưa. Ðối với mùn cưa khô phải phun nước sạch đều lên lớp mặt để đảm bảo mùn cưa có độ ẩm 20%. Phun nước như phun mưa và sau một lúc phải dùng tay xoa cho ẩm đều. Kiểm tra độ ẩm mùn cưa bằng cách quan sát thấy mùn cưa thấm ẩm mà nhìn với tơi rời là được. Lúc này hãy thả gà vào. Thực hiện tương tự như bước 2 trong cách làm đệm lót sinh học nuôi gà bằng nguyên liệu trấu. Rắc đều chế phẩm men đã được chế lên toàn bộ bề mặt của đệm lót. Tiếp đó, dùng tay xoa trên bề mặt để giúp men được phân tán đi đều khắp nơi.

 

Sử dụng và bảo quản đệm lót sinh học

– Ðệm lót sinh học có thời gian sử dụng tốt từ 6 – 12 tháng. Ðệm lót càng dày thì thời gian sử dụng càng cao. Ngoài ra còn dựa vào chế độ xử lý cũng như bảo dưỡng lớp độn để đệm lót sử dụng được lâu hơn.

– Mặc dù thời gian sử dụng đệm lót khá lâu nhưng sau mỗi lứa gà nên dọn dẹp chuồng trại và thay đệm lót mới. Gà con có hệ miễn dịch rất kém, không có khả năng tự miễn dịch. Việc tiếp xúc với môi trường cũ còn tồn tại vi khuẩn có hại sẽ khiến chúng dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng.

– Sau 2 – 3 ngày cần xới bề mặt đệm lót để giúp chúng được tơi xốp hơn, phân phân hủy nhanh hơn. Gà nuôi chuồng lồng 2 tầng thì xới tơi lớp đệm 3 ngày/lần. Ðối với gà nuôi chuồng lồng 3 tầng thì xới lớp đệm lót 2 ngày/lần. Không nên cào sát nền chuồng mà chỉ nên cào trên bề mặt.

– Bảo dưỡng đệm lót sinh học vào những ngày trời nắng và thực hiện lúc buổi chiều để không gây ảnh hưởng cho gà. Tránh không để nước mưa hắt vào làm ướt đệm lót. Khi nuôi gà ở trên nền đệm lót phải chú ý máng nước uống để tránh nước ướt đệm lót. Trường hợp bị ướt cần phải thay bằng lớp trấu mới.

– Chuồng cần có mái che để tránh nước mưa đổ vào gây ẩm ướt đệm lót. Luôn giữ đệm lót được khô ráo, thoáng mát để phân được phân hủy tốt.

– Ðệm lót sinh học lên men có sự phân hủy vi khuẩn có hại một cách tự nhiên. Không cần phun thuốc định kỳ lên mặt đệm, điều này dễ gây ẩm ướt bề mặt. Ngoài ra thuốc phun còn vô tình tiêu diệt cả những vi sinh vật có lợi. Làm giảm hiệu quả của đệm lót mang lại trong chăn nuôi gà.

– Khi đệm lót có mùi hôi thối, khai nước tiểu, cần xới tơi đệm lót thường xuyên để chuồng thông thoáng. Vào mùa nóng cần mở hết cửa chuồng để thoát hơi nóng, làm mát chuồng nuôi gà. Nếu không có biện pháp chống nóng phù hợp, nên áp dụng phương pháp làm đệm lót lớp mỏng. Ðộ dày đệm khoảng 5 cm, cứ cách 5 – 7 ngày thì thay đệm lót một lần định kỳ.

 

Lưu ý

Cách làm đệm lót sinh học nuôi gà tuy đơn giản, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả, cần tránh những sai lầm sau đây:

Tái sử dụng đệm lót sinh học cũ cho lứa gà tiếp theo: Tốt nhất sau mỗi lứa gà nên dọn dẹp sạch sẽ và chuẩn bị một lớp đệm sinh học mới hoàn toàn. Ngoài ra, trong quá trình nuôi nếu quan sát thấy hiện tượng chất xơ của lớp đệm quá thấp hoặc quá mịn, nên thực hiện thay mới lớp đệm lót sinh học này. Bởi đối với gà con hệ miễn dịch còn kém, việc tiếp xúc với môi trường cũ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tốc độ sinh trưởng sau này.

Rắc vôi bột lên nền chuồng trước khi rải trấu: Ðiều này vô tình diệt luôn cả những vi sinh có lợi và làm mất đi tính hiệu quả của lớp đệm sinh học. Chưa kể nếu gà tiếp xúc với lớp trấu có lẫn vôi bột còn gây ra triệu chứng khó thở, suy hô hấp (quan sát thấy gà có hiện tượng vểnh mỏ). Thậm chí đây còn là tiền đề cho một số bệnh nguy hiểm khác ở gà như CRD, ORT…

Không chú ý nhiệt độ trong chuồng: Rất nhiều người chủ quan bỏ qua vấn đề này dẫn đến tình trạng gà bỏ ăn, xỉu, thậm chí có thể chết do bị stress nhiệt. Một số biện pháp chống nóng có thể áp dụng chẳng hạn như giữ cho chuồng được thông thoáng, trang bị hệ thống làm mát tự động hoặc thực hiện phun nước thủ công… Song song đó, cần chú ý độ dày của lớp đệm chỉ nên duy trì tối đa khoảng 30 – 40 cm là tốt nhất.

Sử dụng các loại chế phẩm vi sinh kém chất lượng: Cần chú ý lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng để bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Hoàng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *