Xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) là địa phương thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, người dân thôn Hòa Thủy và Từ Tâm đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dông sinh sản và dông thương phẩm trên cát. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.
Trên diện tích hơn 3.000 m2, gia đình ông Nguyễn Càng, ở thôn Hòa Thủy đầu tư khoảng 80 triệu đồng xây dựng chuồng trại giống như một động cát tự nhiên thu nhỏ để nuôi trên 3.000 con dông. Chuồng nuôi được xây tường cao khoảng gần 1 m bao quanh, bên dưới chuồng đào móng sâu khoảng 50 – 60 cm để con dông không thoát ra ngoài, bên trong xây dựng các động cát và trồng cây xanh tạo không gian cho con dông đào hang, chạy nhảy.
Đưa chúng tôi đi thăm chuồng dông, ông Càng cho biết: Dông là loài bò sát đào hang rất khỏe, vì vậy để tránh dông thoát ra ngoài thì phải đầu tư chuồng trại đảm bảo kỹ thuật. Nuôi dông chỉ cần đầu tư lần đầu về chuồng trại và con giống là có thể thu hoạch được nhiều năm. Dông rất dễ nuôi, thức ăn của dông chủ yếu có sẵn ở địa phương, có thể tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả… Con dông nuôi trong chuồng có khả năng kháng bệnh cao, sinh sản nhanh, mau lớn. Tỷ lệ sinh sản tự nhiên thành công đạt trên 80%, thời gian sinh trưởng khoảng hơn 1 năm là xuất bán. Với giá bán dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/kg, mỗi năm thu lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả của mô hình nuôi dông, nhiều hộ ở địa phương cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dông bán thâm canh. Ông Trịnh Lân, thôn Hòa Thủy, chia sẻ: Hiện tại gia đình đã đầu tư 8 chuồng nuôi dông, với số lượng gần 20.000 con dông giống và dông thương phẩm. Mỗi năm gia đình xuất bán trên 1 tạ dông thương phẩm và con giống; trừ chi phí thu lãi hơn 70 triệu đồng. Dông sinh sản nhanh và ít bệnh nên không cần chăm sóc nhiều, một lần đẻ bình quân từ 6 – 8 quả trứng, sau hơn 1 tháng trứng nở ra dông con. So với nuôi dê, con dông dễ nuôi hơn nhiều. Người nuôi vừa bán dông thịt, vừa tự nhân giống để nuôi trong nhiều năm liền. Ông Lân chia sẻ thêm: Trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn ở địa phương, nhờ nguồn thu nhập từ 8 chuồng nuôi dông, nên đến nay đời sống gia đình dần ổn định.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Phước Hải đã phát triển được gần 100 hộ nuôi dông, với quy mô chuồng trại khoảng 15 ha, mỗi năm cung cấp khoảng 8 tấn dông cho các thị trường trong và ngoài tỉnh như: Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Với giá bán ổn định như hiện nay thì nhiều hộ nuôi có nguồn thu nhập bình quân 60 – 80 triệu đồng/năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nuôi dông.
Đồng chí Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải, cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã chỉ đạo nông dân triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, trong đó có mô hình nuôi dông trên cát đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động các hộ nhân rộng mô hình nuôi dông; đồng thời, thành lập hợp tác xã nuôi dông trên cát để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quản lý và thu mua phân phối dông ra thị trường, hướng tới xây dưng sản phẩm đặc thù ở địa phương.
Tiến Mạnh
Nguồn: Báo Ninh Thuận