Để tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) trâu, bò thuộc diện tiêm đạt 80% trở lên so với tổng đàn, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trâu, bò đợt 2/2023 và đợt 1/2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, đối tượng tiêm là trâu, bò chăn nuôi nông hộ (dưới 20 con/hộ) thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Đợt 2/2023 sẽ triển khai tiêm vắc xin trong thời gian từ tháng 9 – 10, với số lượng gia súc thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng là 95.425 con trâu, bò. Đợt 1/2024 triển khai tiêm từ tháng 3 – 4 với số lượng 95.425 con trâu, bò. Loại vắc xin tiêm là LMLM 02 type O, A.
Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò của 3 huyện miền núi: Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và 50% kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò của các huyện, thị xã, thành phố còn lại; kinh phí mua thuốc tiêu độc sát trùng sau tiêm phòng; chi phí vận chuyển vắc xin, thuốc sát trùng về huyện, kiểm tra giám sát công tác tiêm phòng, kiểm tra dịch bệnh; chi phí lấy mẫu giám sát đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm định type virus khi trâu, bò mắc bệnh.
Cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí còn lại mua vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò chăn nuôi nông hộ; kinh phí tổ chức triển khai tiêm phòng. Cấp xã hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia tiêm phòng, chi phí bảo quản vắc xin trong quá trình tiêm phòng; kinh phí tổ chức tiêu độc, sát trùng sau tiêm phòng; kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại địa phương.
Kế hoạch cũng nêu rõ, các doanh nghiệp, chủ chăn nuôi tự đảm bảo tiền công tiêm phòng đối với trâu, bò thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng ngoài số trâu, bò của các hộ nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tiền công; chi phí mua vắc xin và tiền công tiêm phòng đối với hộ chăn nuôi từ 20 con/hộ trở lên. Các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước, trang trại chăn nuôi không thuộc diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, chủ chăn nuôi tự đảm bảo kinh phí để tiêm phòng cho đàn gia súc của mình.
Nguồn: Báo Phú Yên