Phú Yên đang bước vào cao điểm nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Để hạn chế những bất lợi do thời tiết gây ra, người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, bảo vệ vật nuôi đúng cách.
Đảm bảo thức ăn
Nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao khiến nguồn nước ngầm ở các ao hồ, sông suối cạn dần, nhiều đồng cỏ cháy khô, nguồn thức ăn tự nhiên của đàn gia súc bị suy giảm, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc của người dân miền núi, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.
Huyện Sơn Hòa có đàn bò lớn với tổng đàn hơn 16.200 con, nuôi tập trung ở các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS. Bà con DTTS ở đây vẫn còn tập quán nuôi chăn thả, phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên và nước ở sông suối. Vậy nên, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước ngầm suy giảm, các đồng cỏ tự nhiên cháy khô, bò bị thiếu thức ăn trầm trọng.
Người chăn nuôi cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho bò trong thời tiết nắng nóng để tăng cường sức khỏe vật nuôi. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Anh Ksor Tun ở xã Krông Pa cho biết: Mỗi ngày tôi phải lùa bò đi sâu vào các rẫy keo để có cỏ ăn, dù vậy chiều về phải cho ăn thêm rơm rạ trữ sẵn tại nhà. Gia đình thu gom nhiều rơm rạ trữ sau vụ lúa vừa rồi nên có nguồn thức ăn bổ sung cho bò. Để bò đỡ mất sức vì nắng, mỗi ngày tôi đưa bò đi ăn sớm hơn và về muộn hơn.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, đàn bò của huyện có khoảng 16.300 con. Để giúp bà con thay đổi phương thức chăn nuôi thả rông, phụ thuộc đồng cỏ tự nhiên, nhiều năm nay, địa phương tích cực vận động, hướng dẫn bà con DTTS cải tạo đất vườn tạp trồng cỏ nuôi bò.
Nhờ vậy, nhiều người đã dần thay đổi tập quán, chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay. Mí Thoan ở xã Ea Trol cho hay: Từ khi được chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ cỏ giống, gia đình tôi đã trồng cỏ voi khắp vườn. Mùa này, mấy con bò của gia đình có cỏ tươi ăn mỗi ngày.
Tăng cường sức khỏe vật nuôi
Nắng nóng kéo dài dễ làm vật nuôi giảm sức đề kháng, một số trường hợp còn dẫn đến rối loạn về khả năng điều hòa thân nhiệt, tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa thức ăn… Đây là một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của vật nuôi. Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi trong giai đoạn này, ngoài cung cấp đủ thức ăn nước uống, người nuôi phải chủ động giải nhiệt, giảm nóng.
Một trong những cách giảm nhiệt mà nhiều trại chăn nuôi đang áp dụng là tắm mát cho gia súc. Ông Trần Thành Được ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: Từ đầu mùa nắng đến nay, mỗi ngày tôi phải xịt nước tắm heo và rửa chuồng 2 lần, giúp chuồng trại bớt nóng, giảm sinh nhiệt để heo dễ ăn dễ ngủ hơn. Đồng thời trong khẩu phần ăn hằng ngày, tôi còn bổ sung thêm vitamin C và khoáng chất, giúp heo tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Đối với các trại chăn nuôi gà có quy mô đàn lớn, hầu hết người nuôi đều lắp đặt hệ thống quạt gió làm mát, mái chuồng được gia cố thêm các loại vật liệu để giảm nhiệt. Theo bà Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), nắng nóng gà dễ mất sức nếu không được chăm sóc tốt. Bởi vậy, trong khẩu phần ăn hằng ngày của gà, bà Lan tăng thêm các loại thức ăn xanh, bổ sung vitamin, khoáng chất vào nước uống.
Đầu mùa nắng, bà đã phủ thêm một lớp thảm xơ dừa trên mái chuồng; lúc trời nắng nóng sẽ xịt nước lên thảm để giữ ẩm cho mái và mở hệ thống quạt gió giúp hạ nhiệt chuồng nuôi. “Thời tiết nắng nóng, gia cầm thường uống nhiều nước, giảm ăn nên hay bị thiếu chất, mất sức, dễ bị mầm bệnh tấn công. Vì vậy, mình phải chăm sóc và theo dõi kỹ sức khỏe của đàn gia cầm để kịp thời xử lý”, bà Lan nói.
“Dự báo thời tiết nắng nóng còn kéo dài, các hộ chăn nuôi phải chủ động thực hiện các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của trại và đàn vật nuôi”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.
Thủy Tiên
Nguồn: Báo Phú Yên