Sau khoảng 2 tháng từ lúc phát hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò, đến nay bệnh này đã khiến hơn 2.400 con bò nhiễm bệnh và nhiều bò chết, gây thiệt hại lớn cho người dân. Hiện bệnh VDNC vẫn chưa có thuốc điều trị, vì vậy phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tiêm phòng vắc xin.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Nguyễn Văn Lâm (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:
– Bệnh VDNC xuất hiện lần đầu tiên trên đàn bò ở huyện Đồng Xuân vào ngày 13/6. Sau gần 2 tháng, bệnh đã lây lan ra 66 xã, phường của 8 huyện, thị xã trên toàn tỉnh, khiến 2.468 con bò bị nhiễm bệnh, trong đó làm chết 80 con (tính đến ngày 4/8). Hiện toàn tỉnh có khoảng 120.000 con trâu, bò thuộc diện có nguy cơ nhiễm bệnh.
* Các ngành chức năng đã làm gì để khống chế dịch?
– Từ khi dịch bệnh VDNC xuất hiện trên địa bàn tỉnh, ngành Thú y đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ đàn trâu, bò để kiểm soát nhanh tình hình dịch. Các ổ dịch được phát hiện sẽ được khoanh vùng bao vây xử lý, cắm biển báo và lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, tổ chức phun tiêu độc sát khuẩn môi trường toàn bộ khu vực chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 xã công bố có dịch VDNC trên trâu, bò. Các địa phương đã thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra việc vận chuyển, mua bán trâu, bò và sản phẩm trâu, bò. Đến nay, các địa phương đã sử dụng 3.593 lít thuốc sát trùng và hơn 3.326 kg vôi bột để phun tiêu độc và khử trùng hàng ngày tại các ổ dịch. Tỉnh cũng hỗ trợ thêm 9.500 lít thuốc sát trùng cho các địa phương để tiếp tục tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tăng cường kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò ra vào tỉnh và quá cảnh qua địa phận tỉnh tại Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (TX Đông Hòa) và chốt kiểm dịch động vật tạm thời quốc lộ 1 tại cầu Bình Phú (TX Sông Cầu). Đồng thời, chi cục cũng phối hợp cùng các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin VDNC cho toàn đàn trâu, bò của tỉnh.
* Vậy đến nay công tác tiêm phòng được thực hiện ra sao?
– Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, chi cục đã nhanh chóng nhập vắc xin VDNC về để phục vụ công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp với các địa phương vận động, tuyên truyền người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi, tổ chức đội ngũ thú y viên để triển khai tiêm phòng tại từng hộ chăn nuôi… Hiện toàn tỉnh chỉ mới tiêm 53.000 liều vắc xin, chưa được 50% tổng đàn trong diện tiêm, chưa đạt được tỉ lệ bảo hộ dịch bệnh theo quy định.
Tiêm phòng vắc xin VDNC cho bò để dập dịch. Ảnh: Nguyễn Chương
* Nguyên nhân vì đâu tiến độ tiêm phòng lại chậm như vậy, thưa ông?
– Về nguồn vắc xin để cung ứng cho người dân tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo yêu cầu tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vì vắc xin VDNC không được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi phải trả 100% chi phí (khoảng 50.000 đồng/liều) và đây cũng là vắc xin phòng ngừa loại dịch bệnh hoàn toàn mới nên nhiều người chưa biết đến, không nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng để phòng chống dịch. Vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phụ thuộc rất lớn vào công tác tuyên truyền, vận động từ chính quyền cơ sở.
Trên thực tế, trong gần 2 tháng triển khai tiêm phòng, chính quyền địa phương nào vào cuộc mạnh mẽ thì tốc độ tiêm rất nhanh và tỉ lệ tiêm đạt khá. Tiêu biểu như huyện Đồng Xuân, mặc dù là huyện miền núi, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, người dân hiểu được lợi ích tiêm phòng nên phối hợp rất tốt. Toàn huyện này đã tiêm được gần 9.300 liều, đạt khoảng 62%. Tuy An, Phú Hòa là những huyện tổ chức tiêm muộn nhưng cũng đã tiêm được khoảng 50% tổng đàn trong diện nguy cơ. Riêng TX Sông Cầu là nơi phát dịch sớm, tổ chức tiêm phòng sớm nhưng đến nay toàn thị xã chỉ mới tiêm được hơn 2.000 liều/tổng đàn nguy cơ hơn 11.300 con, chỉ đạt 17,7%.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa và toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên khó khăn cho công tác triển khai tiêm phòng đến hộ chăn nuôi.
* Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh VDNC. Vậy khi gia súc mắc bệnh này phải làm thế nào, thưa ông?
– Gia súc mắc bệnh này thường bị sốt cao, từ đó gây ra nhiều biến chứng dẫn đến chết vì vậy cần hạ sốt cho gia súc bằng các loại thuốc hạ sốt như Analgin, Paracetamol… uống 3 lần/ngày. Sử dụng thêm Urotropin để sát trùng đường tiểu, giải độc và các loại thuốc giảm đau, kháng viêm có thành phần hoạt chất chính như Ketoprofen, Diclofenat (an toàn cho gia súc mang thai và nuôi con)…
Bên cạnh đó, cần bổ sung các loại thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng như Catosal, Vitamin ADE, B-Complex, Gluco C, Vitamin C bằng cách hòa vào nước cho uống hàng ngày. Trợ hô hấp cho gia súc dễ thở hơn và tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc có thành phần Bromhexin, Cafein, Camphona. Bổ sung loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng như Oxytetraxycline, Amoxyline LA, Penicillin… dùng liên tục 3-5 ngày. Nếu có biểu hiện kế phát sau khi dùng kháng sinh 3-5 ngày có thể đổi kháng sinh khác để tăng hiệu quả điều trị. Nếu bò mệt mỏi quá thì có thể truyền dịch cho bò bằng dung dịch đường gluco hoặc muối truyền. Đối với các vết loét có thể xịt các chất làm liền vết thương và chống nhiễm khuẩn vết thương như xanh methylen. Gia súc mang thai thì sử dụng thêm thuốc an thai để tránh sẩy thai. Người chăn nuôi cần phun thuốc sát trùng chuồng trại mỗi ngày một lần trong thời gian điều trị, sau đó định kỳ 1-2 tuần/lần; chú ý diệt côn trùng trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, mòng, ve… bằng thuốc xịt côn trùng.
* Xin cảm ơn ông!
>> Hiện nay, bệnh VDNC chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bò mắc bệnh chỉ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, tiêm phòng là biện pháp chống dịch hữu hiệu nhất lúc này.
Thủy Tiên (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên