Phú Yên: Bảo vệ đàn vật nuôi trong mưa lũ

Tích trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, đưa vật nuôi đến nơi cao ráo, tránh ngập lụt… là những giải pháp mà người chăn nuôi đang thực hiện để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại trong thời tiết mưa lũ như hiện nay.

Tích trữ thức ăn, bảo vệ vật nuôi

Sau khi thu hoạch xong 1 mẫu lúa (5.000 m2) vụ hè thu vừa rồi, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) thuê máy cuộn hết rơm chở về nhà tích trữ. Bà còn mua thêm rơm ở nhiều đám ruộng khác để đủ thức ăn dự trữ cho đàn bò của gia đình trong mùa mưa bão năm nay. Bà Sáu cho biết: Gia đình vừa mua thêm 3 con bò xác (loại bò ốm yếu) để vỗ béo cho vụ tết nên đàn bò của gia đình đã có 6 con, lượng thức ăn thô xanh cần cho đàn bò mỗi ngày rất lớn. Trong khi hiện nay mùa mưa lũ đã bắt đầu, hầu hết các khu đồng đều ngập nước không cắt cỏ được, phải cho bò ăn rơm thay thế. Chính vì vậy, gia đình tôi phải thu mua rơm tích trữ cho đàn bò đủ ăn trong cả mùa mưa năm nay.

gia cầm

Người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng dịch cho vật nuôi. Ảnh: THỦY TIÊN

Những ngày qua, khi trời bắt đầu mưa nhiều, cộng với các hồ thủy điện xả lũ, người nuôi bò ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đã chủ động đưa các cuộn rơm lên khu vực cao ráo để bảo quản. Theo ông Nguyễn Phước, một hộ dân ở thôn Đông Phước, vùng này trũng thấp, lại gần sông nên mỗi khi lũ là nước dâng rất nhanh, lại ngập lâu nên bà con ở đây hầu như nhà nào cũng kê sẵn giàn chứa rơm, có vậy mới bảo quản được thức ăn cho đàn bò trong mùa mưa.

Cùng với đó, nhiều ngày qua, những hộ đang chăn nuôi ngoài bãi bồi của sông Ba cũng chủ động đưa vật nuôi đến nơi an toàn, tránh rủi ro khi lũ lớn trên sông. Ông Hai Lâm ở xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) cho hay: Mặc dù hiện nay trại nuôi của gia đình ở ngoài bãi bồi vẫn chưa bị ngập nhưng gia đình không chủ quan. Ngay từ đợt bão số 4 vừa rồi, tôi đã chủ động chuyển toàn bộ đàn bò, heo rừng lai chuẩn bị cho vụ tết vào bờ nhốt tạm, đợi qua hết mùa mưa lụt mới chuyển ra lại.

Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa cho biết: Xã Hòa An có 11 hộ nuôi bò trên bãi bồi sông Ba, từ cuối tháng 9, khi thời tiết bắt đầu mưa lũ, địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ dân này đưa đàn gia súc vào bờ để đảm bảo an toàn. Đến nay, tất cả 32 con bò của 11 hộ dân trên đã được bà con đưa vào nuôi nhốt tại nhà.

Theo UBND huyện Phú Hòa, nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ, ngay từ đầu mùa mưa, huyện đã chỉ đạo phòng NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát đàn vật nuôi, hướng dẫn bà con cách tích trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi. Ở những vùng thường xuyên ngập lụt, bà con cần chủ động chuyển vật nuôi đến nơi cao ráo, an toàn hơn…

 

Chủ động phòng dịch bệnh

Mùa mưa lụt là thời điểm dịch bệnh ở vật nuôi rất dễ bùng phát, lây lan rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm cho dịp tết sắp tới. Để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra, gây hại đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi đang tập trung chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Theo bà Trần Thị Hà ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), mùa này trâu bò rất dễ mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 9 khi thú y triển khai tiêm phòng vắc xin đợt II/2022, gia đình tôi đã đăng ký tiêm phòng các loại vắc xin LMLM, tụ huyết trùng cho cả đàn bò của gia đình. Chi phí tiêm khá tốn kém nhưng đổi lại đàn bò sẽ có sức đề kháng với các loại bệnh nguy hiểm này.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu tháng 9, đơn vị đã đồng loạt ra quân tiêm phòng vắc xin đợt II/2022. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được khoảng 80.000 liều vắc xin LMLM, khoảng 18.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, 48.000 liều vắc xin viêm da nổi cục, 76.000 liều vắc xin cúm gia cầm… Hiện nay, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương để đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng và sẽ kết thúc đợt tiêm chính vào cuối tháng 10/2022. Sau đó tiếp tục tổ chức tiêm vét.

Ngoài tiêm phòng, trong lúc này, bà con chăn nuôi cũng rất quan tâm đến việc che chắn, vệ sinh chuồng trại. Ông Lê Tấn Thịnh ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cho biết: Mùa này mưa gió nhiều nên nền chuồng lúc nào cũng ướt. Vì vậy, tôi thường xuyên thu gom chất thải, quét dọn, dội rửa nền chuồng sạch sẽ, có chỗ gia súc nằm. Đồng thời, mỗi tuần một lần, tôi sẽ phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường xung quanh chuồng và khu vực lân cận để hạn chế virus phát sinh gây bệnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, một hộ nuôi gà đàn ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), những người nuôi gà sợ nhất là mùa này. Trời mưa lạnh, gia cầm rất dễ bị bệnh cú rụ, chết. Mấy ngày qua, gia đình bà đã phải dùng bạt che chắn khu trại gà để hạn chế mưa tạt, gió lùa. Bà Hồng còn tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn hàng ngày để nâng cao sức khỏe cho đàn gà. 

Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin ngừa dịch theo quy định, đồng thời thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Lâm

Thủy Tiên

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *