Phú Thọ: Tập trung xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Ngày 12/6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TN&MT; đại diện các công ty, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

phát triển chăn nuôi Phú Thọ

Lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu tại hội nghị

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hiện nay, tổng đàn vật nuôi của toàn tỉnh có gần 145.000 con trâu, bò; khoảng 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu con gia cầm các loại. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 206.700 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt trên 591,5 triệu quả. Năm 2023, ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng tăng 5,81% so với năm 2022; giá trị sản xuất đạt trên 8.073 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng trên 57,5% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; 1.093 trang trại chăn nuôi, trong đó có 92 trang trại của các công ty. Tỷ lệ chăn nuôi trong các trang trại đạt 10,6% tổng đàn trâu, bò; 26% tổng đàn lợn; 42,2% tổng đàn gia cầm.

Đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 9/36 trang trại quy mô lớn đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi, trong đó có 4 trang trại đã được cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi, 5 trang trại chưa làm thủ tục xin cấp phép. Đồng thời mới chỉ có 18/1.093 trang trại được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết khép kín…

Tại hội nghị, các đại biểu được cung cấp các thông tin, điều kiện, quyền lợi khi xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; các quy định của pháp luật về chăn nuôi trang trại, thủ tục pháp lý về môi trường; định hướng xây dựng nền chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại từ nay đến năm 2025, trong đó tập trung vào xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, bảo đảm phát triển nền chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường…

Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, an toàn dịch bệnh như thủ tục pháp lý về môi trường, quy định về sử dụng đất trong chăn nuôi, đơn vị chăn nuôi; khoảng cách an toàn giữa khu vực chăn nuôi và khu dân cư… và đề xuất các biện pháp đến các cơ quan chuyên môn nhằm tháo gỡ khó khăn.

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, đại diện Sở NN&PTNT, Sở TN&MT đã giải đáp ý kiến thuộc thẩm quyền, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, chủ thể có ý kiến đến các đơn vị liên quan cấp trên, tham gia vào dự án luật liên quan trước khi có hiệu lực thi hành nhằm bảo đảm quyền, lợi ích, trách nhiệm cho các chủ thể.

Phan Cường

Nguồn: Báo Phú Thọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *