Phòng, trị bệnh tiêu chảy cấp tính trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin tư vấn biện pháp phòng, trị bệnh tiêu chảy cấp tính trên heo?

(Câu hỏi của Lê Biên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Dịch bệnh tiêu chảy cấp tính trên heo (Porcine Epidemic Diarroea – PED) do Coronavirus gây ra. PED lây lan nhanh và gây tỷ lệ chết cao trên heo, đặc biệt là heo con theo mẹ. Heo con 0 – 5 ngày tuổi mắc bệnh tỷ lệ chết 100%, heo con trên 7 ngày tuổi mắc bệnh tỷ lệ chết 30 – 50%. Khi bị bệnh, heo con theo mẹ bú ít hoặc bỏ bú. Heo con bị tiêu chảy cấp, phân lỏng, mùi tanh, phân màu trắng đục hoặc vàng nhạt, phân dính bết ở hậu môn. Heo có hiện tượng nôn mửa do sữa không tiêu, con vật bỏ bú, mất nước, thân nhiệt giảm nên hay có hiện tượng nằm lên bụng heo mẹ. Bệnh gây ra do virus nên điều trị kháng sinh không khỏi. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi và gây hiện tượng lưu cữu mầm bệnh trong đất, nước và khu vực chăn nuôi.

Để phòng bệnh, heo mẹ trong thời gian mang thai nên đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho bào thai, nuôi đúng kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine (bao gồm vaccine PED), heo con tiêm sắt. Cân bằng vi sinh đường ruột bằng cách bổ sung men tiêu hóa. Tùy nguy cơ bệnh kế phát có thể: Cho thuốc chống cầu trùng: Anticoc, Baycoc… hoặc cho uống thuốc kháng khuẩn đường ruột: Sulfamethoxazole, Trimethoprim, Colistin, Enronofloxacin, Oxytetrcyclin… Đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, quản lý tốt chất thải chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng trong chuồng nuôi, môi trường xung quanh, có hố sát trùng ở cửa ra vào chuồng. Thực hiện phương pháp chăn nuôi “Cùng vào, cùng ra”. Không nuôi nhiều loài gia súc, gia cầm chung trại hoặc nuôi heo nái nuôi con cùng chuồng nuôi heo ở các lứa tuổi. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tiêu độc sát trùng, diệt côn trùng gặm nhấm…

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *