(Người Chăn Nuôi) – Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong khẩu phần ăn nhưng nếu thiếu Vitamin B2 có thể dẫn đến một loạt các vấn đề trên đàn gà nuôi.
Vai trò
Vitamin B2 còn có tên là Vitamin G.Lactoflavin. Tên chung quốc tế là Riboflavin, là loại vitamin tan trong nước thuộc nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12). Vitamin B2 được hấp thụ chủ yếu ở tá tràng. Khi vào cơ thể biến đổi thành hai coenzym: FAD (flavin adenin dinucleotid) và FMN (flavin mononucleotid) cần cho sự hô hấp của mô. Coenzym FMN cần cho hệ thống vận chuyển điện tử trong cơ thể. Một lượng nhỏ Vitamin B2 được tồn trữ ở tim, gan, thận, lách dưới dạng coenzym.
Trong cơ thể, Vitamin B2 là thành phần quan trọng của các men oxydase; trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên; khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hóa của tế bào; chuyển hóa các chất đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động; Vitamin B2 cũng tác động đến việc hấp thu, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể (rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt).
Nguyên nhân dẫn thiếu Vitamin B2
Gà nuôi bị thiếu Vitamin B2 thường là do các nguyên nhân sau:
Khẩu phần thức ăn thiếu Vitamin B2.
Ánh sáng mặt trời hoặc trong dung dịch kiềm phá hủy mất tác dụng Vitamin B2.
Khẩu phần ăn không cân đối các chất dinh dưỡng, dùng quá nhiều bột cá, bột thịt thiếu rau, củ, quả…
Biểu hiện gà thiếu Vitamin B2. Ảnh: ST
Triệu chứng và bệnh tích
Thiếu Vitamin B2 có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng: da khô và nứt nẻ, viêm quanh miệng, chân yếu, đi đứng khó khăn, mắt đỏ và cảm giác nặng trên khu vực mắt. Nếu không giải quyết kịp thời, nó có thể dẫn đến giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều ở ngày 12 – 18 và có thể dẫn đến tình trạng bại liệt.
Ở gà thịt: Thiếu Vitamin B2 được thể hiện trong giai đoạn 10 – 30 ngày tuổi với triệu chứng: Chậm lớn, kém ăn, lông mọc chậm, trọng lượng giảm và tiêu chảy; Trường hợp nặng, gà có thể bị liệt và nằm hoặc có xu hướng đi bằng 2 đầu gối; Ngón chân của 1 hoặc cả 2 chân co quắp vào bên trong. Nếu bệnh tiếp tục tiến triển, gà nằm với chân duỗi dài ra và chết do đói, khát hay ngạt thở.
Ở gà mái: Có biểu hiện giảm đẻ trứng và giảm tỷ lệ nở; Phôi thường chết vào ngày cuối ở tuần thứ 2 trong quá trình ấp; Nhiều phôi thiếu lông tơ trông giống như “đầu dùi cui”, bệnh tích này có thể thấy ở một số gà sau khi nở.
Bệnh tích: Khi mổ khám, gà có các bệnh tích sau:
Thần kinh hông và cánh ở gà con sưng và mềm nhão.
Có những biến đổi thoái hóa vỏ bọc myelin của dây thần kinh ngoại biên.
Viêm thần kinh đệm và sự tiêu sắc trong bó tủy sống.
Gan bị thoái hóa mỡ, đôi khi có xuất huyết. Thượng thận sưng.
Niêm mạc ruột của viêm cata. Đôi khi có xuất huyết điểm.
Chẩn đoán
Thiếu hụt ở mức độ thấp, triệu chứng không đủ đặc hiệu để chẩn đoán. Tuy nhiên, sự hiện diện ở gà 1 ngày tuổi không có lông, móng co quắp được xem xét để chẩn đoán do thiếu Vitamin B2; Xem xét tổ chức học tế bào thần kinh (3 dòng đầu ở phần bệnh tích); Bổ sung thuốc Vitamin B2 cho gà bệnh; Phân tích Vitamin B2 trong khẩu phần thức ăn.
Phòng bệnh
Để tránh những tác động không mong muốn do thiếu vitamin ở gà, có thể phòng ngừa sớm bằng cách bổ sung các premix gồm nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho gà. Các sản phẩm này đã được tổng hợp sẵn dưỡng chất nên việc thiếu vitamin có thể dễ giải quyết hơn so với tự phối trộn thức ăn. Bởi việc tự phối trộn cần nhiều thời gian và công sức vì những dưỡng chất này muốn có đầy đủ phải cho gà ăn nhiều loại thức ăn rất đa dạng. Cần cung cấp cho gà con 3 – 4 tuần tuổi lượng Vitamin B2 là 8 mg/kg thức ăn, các loại gà khác cần 5 – 6 mg/kg thức ăn.
Bổ sung vào thức ăn Vitamin B2 từ 6 – 8 mg/kg thức ăn. Ngoài ra, có thể dùng men bia khô (5% trong khẩu phần thức ăn) hoặc mộng giá đỗ, bột sữa.
Trị bệnh
Cho gà uống Vitamin B2 liều 5 mg/1 gà con/ngày và 15 mg/1 gà mái đẻ/ngày liên tục 5 – 10 ngày. Hoặc tiêm liều 5 – 10 mg/kg thể trọng/ngày liên tục 3 – 5 ngày (Dùng B – Complex hoặc Becozime 1 ống/5 – 10 kg thể trọng/ngày liên tục 3 – 5 ngày).
Phương Đông