Phòng trị bệnh nhiễm khuẩn E. Coli ở vịt

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh E. Coli trên vịt là bệnh truyền nhiễm do một nhóm vi khuẩn E. Coli độc lực cao gây ra. Bệnh xuất hiện ở vịt mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu khi vịt được 3 – 15 ngày tuổi, tỷ lệ chết có thể đến 60%, những con sống sót thường còi cọc, chậm lớn và sử dụng thức ăn kém.

Nguyên nhân

Bệnh E. Coli trên vịt là bệnh truyền nhiễm do một nhóm vi khuẩn E. Coli độc lực cao gây ra. Bệnh xuất hiện ở vịt mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu khi vịt được 3 – 15 ngày tuổi, tỷ lệ chết có thể đến 60%, những con sống sót thường còi cọc, chậm lớn và sử dụng thức ăn kém. Vi khuẩn E. Coli, thường có sẵn ở ruột già của vịt khỏe mạnh, khi điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, do đường hô hấp hoặc đường ruột bị tổn thương, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho E. Coli phát triển và gây bệnh.

 

Triệu chứng

Bệnh có thể xảy ra ở hai thể cấp tính và mãn tính. Nhìn chung, triệu chứng thường không đặc hiệu. Thời gian nung bệnh từ 1 – 10 ngày. Ở vịt 3 ngày tuổi đã có thể nhiễm bệnh, vịt bị rút cổ, lông xù, mắt lim dim như buồn ngủ, một số con có triệu chứng cảm cúm, sổ mũi và khó thở, tiêu chảy phân loãng có màu trắng xanh rồi chết. Trước khi chết nhiều con có triệu chứng thần kinh như: co giật, quay đầu, ngoẹo cổ… vịt đẻ chết rải rác, giảm đẻ, vỏ trứng dính máu.

Bệnh E. Coli trên vịt

 

Bệnh tích

Mổ khám vịt chết thường thấy các bệnh tích như màng bao tim bị viêm, có màu trắng như bã đậu. Trên tim có điểm xuất huyết lấm tấm. Gan sưng to. Nếu bệnh nặng thì cả hai lá gan đều sưng đỏ và xuất huyết lấm tấm, túi mật thường căng to. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ thấy phần dưới của gan sưng và xuất huyết còn phần trên có màu vàng. Lách sưng và có đốm. Màng bụng viêm, có sợi tơ trắng dính vào xoang bụng và ruột. Màng túi khí viêm trắng, có chất nhầy và những điểm màu vàng (hoại tử). Vịt đẻ buồng trứng bị vỡ và teo lại. Ống dẫn trứng viêm.

 

Chẩn đoán

Ðể chuẩn đoán đúng cũng như phòng và trị bệnh hiệu quả, cần phân biệt bệnh E. Coli với các bệnh sau:

Bệnh trúng độc do thức ăn xảy ra cùng trong thời gian với bệnh E. Coli nhưng bệnh chết nhanh hơn, có triệu chứng thần kinh nặng hơn, mắt không nháy được do liệt màng mắt, gan sưng và đen toàn bộ, thận sưng và tiêu chảy. Khi ngừng cho ăn bệnh giảm hẳn.

Bệnh thương hàn xảy ra cùng thời gian với bệnh E. Coli, triệu chứng giống như bệnh E. Coli nhưng bệnh tích ở gan không có những điểm hoại tử màu trắng, túi khí không có những điểm màu vàng.

Bệnh dịch tả: Vịt tiêu chảy phân loãng, trắng xanh, rất thối, mắt đỏ sưng phù dính mí.

Bệnh tụ huyết trùng: Phân loãng màu nâu hay vàng, đỏ; mắt bình thường.

 

Trị bệnh

Thực hiện ngay việc sát trùng tiêu độc chuồng để giảm thiểu mầm bệnh trong chuồng, tránh nhiễm bệnh kế phát.

Trường hợp bệnh nhẹ dùng các loại kháng sinh cho uống hay trộn vào thức ăn như: Florphenicol kết hợp với Tylosin hoặc Doxycycline cho uống hoặc ăn liên tục trong 4 – 5 ngày. Trường hợp bệnh nặng dùng một trong những loại kháng sinh sau đây tiêm bắp hoặc tiêm dưới da: Ampicillin + Colistin: tiêm bắp 1 ml/8 – 10 kg P/ngày, liên tục 3 – 5 ngày; Amoxicillin + Colistin: tiêm bắp 1 ml/8 – 10 kg P/ ngày, liên tục 3 – 5 ngày.

Trong quá trình điều trị có thể phối hợp hai phương pháp tiêm và uống với nhau để mang lại hiệu quả cao và nhanh hơn. Tăng cường sức đề kháng của gia cầm bằng cách bổ sung một trong những sản phẩm vitamin hỗn hợp, Vitamin C và chất điện giải. Sử dụng men tiêu hóa để cải thiện sức khỏe của vịt sau quá trình điều trị bệnh.

Sau mỗi lần điều trị nếu có điều kiện nên lập kháng sinh đồ bởi vì vi khuẩn E. Coli luôn gây đề kháng với thuốc.

 

Phòng bệnh

Trong công tác phòng bệnh, cần đặc biệt chăm sóc vịt con ngay từ những ngày đầu khi đưa từ lò ấp về, không để chúng bị lạnh và ăn thức ăn tự nhiên quá sớm (tép, cá sống…).

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ và phun thuốc sát trùng Benkcocid hoặc Navetkon-S định kỳ 2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh trong và ngoài môi trường.

Bổ sung các loại vitamin, thuốc giải độc gan, thận giúp tăng sức kháng bệnh, chống stress khi môi trường thay đổi. Ðồng thời tăng năng suất cho vịt đẻ trứng cũng như tăng tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ ấp nở cao.

>> Vi khuẩn E. Coli có sẵn trong cơ thể vịt hay nhiễm từ môi trường bên ngoài, khi vào cơ thể chúng xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn gây nhiễm trùng máu, vi khuẩn đến niêm mạc ruột, gây viêm ruột, đến các xoang gây viêm thanh dịch có tơ huyết, đến các cơ quan phủ tạng gây viêm hoại tử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *