Phòng trị bệnh gà bị ORT

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Gà có hiện tượng khó thở, rướn cổ thở, ngáp gió, ho, lắc đầu, vẩy mỏ, khẹc, ngáp liên tục. Khi chết gà trong trạng thái nằm ngửa. Xin hỏi gà bị bệnh gì và cách chữa trị ra sao?

Trả lời:

Theo mô tả có thể gà bị bệnh ORT, đây là một bệnh hô hấp cấp tính do vi khuẩn Ornithobacterium rhinotracheale gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, mùa hè và thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí tăng cao. Gà thịt thường mắc bệnh lúc 3 – 6 tuần tuổi, các loại gà khác thường từ 6 tuần tuổi trở lên.

Biện pháp phòng bệnh là vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng. Xây dựng chuồng trại đáp ứng ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Sát trùng chuồng trại thường xuyên, định kỳ bằng các thuốc sát trùng như Iodine, Benkocid… Chăm sóc nuôi dưỡng gà tốt, không được để gà quá đói hoặc quá khát, đảm bảo ổn định chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, mật độ nuôi phù hợp theo đúng lứa tuổi, giống gà. Tăng cường sức đề kháng cho gà bằng các thuốc bổ như vitamin C, B – Comlex… Không nuôi gà nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng một khu vực vì đó sẽ là điều kiện lý tưởng cho bệnh ORT bùng phát và lây lan với tốc độ nhanh. Người nuôi cần chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ cho đàn gà.

Khi gà bị bệnh có thể dùng kháng sinh như Timicocin, Amoxycillin, Chlortetracycline… để điều trị cho đàn gà. Liệu trình điều trị 5 – 7 ngày. Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị cần dùng thêm một số thuốc hỗ trợ long đờm, bổ gan, men tiêu hóa sống, vitamin và điện giải… giúp nâng cao hiệu quả.

 

Hỏi:

Chim cút có hiện tượng giảm ăn, ủ rũ, phân loãng và trắng, khô chân xù lông, sã cánh và chết. Trứng cút bệnh có dính máu, trứng nhọn và mềm, tỷ lệ trứng giảm 10 – 30%. Xin hỏi chim cút bị bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

 

Trả lời:

Theo mô tả có thể chim cút bị bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonellosis gây ra. Chim cút ở các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Khi ăn uống phải thức ăn hoặc nước uống có vi khuẩn, chim sẽ bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua trứng khi chim cút mẹ bị nhiễm bệnh hoặc lây từ loài gia cầm khác sang chim cút. Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào các tháng có thời tiết ấm áp và ẩm ướt trong mùa xuân, đầu mùa hè và cuối mùa thu.

Người nuôi cần thực hiện biện pháp phòng bệnh cho chim chim cút như chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Thức ăn phải đảm bảo bảo chất lượng, nước uống đầy đủ và sạch sẽ. Quét dọn, thu gom và tiêu hủy phân rác, chất độn chuồng. Dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng dụng cụ chăn nuôi sau mỗi đợt xuất chuồng, để trống chuồng trại 10 – 15 ngày mới nuôi tiếp đợt khác.

Sử dụng Florfenicol 250 mg/lít nước uống; Tetramycin 250 mg/lít nước uống  hoặc Neotesol. Nghiền nhỏ 2 viên thuốc trên pha chung trong 01 lít nước cho uống liên tục 4 ngày, sau nghỉ 3 ngày sử dụng 6 tuần liền đối với cút thịt. Còn chim cút để dùng liên tục trong thời gian đẻ, nhưng mỗi tuần chỉ dùng thuốc phòng 3 ngày, nghỉ 4 ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng một trong các loại thuốc Neotesol 2,5 g/1 lít nước uống, Amfuridon 6 g/lít nước uống, Neo – Tetramycin 500 mg/lít nước uống. Nếu chim cút bị bệnh: Dùng 1 trong những loại kháng sinh trên nhưng liều tăng gấp đôi và liệu trình điều trị 5 – 7 ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *