Phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi tại Khánh Hòa: Không chủ quan, lơ là

Người chăn nuôi tăng đàn dịp cuối năm, trong điều kiện thời tiết mưa ẩm… dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi tăng cao. Do đó, các địa phương đang tập trung triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn tỉnh sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

Theo ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh khoảng 300.000 con; gia cầm 2,2 triệu con; đàn bò 58.000 con. Khoảng 75% gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được nuôi trong các trang trại, gia trại với điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh tốt hơn so với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Cùng với đó, nhu cầu tăng đàn và buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật… gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Vì vậy, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm rất cao.

tiêm phòng cúm gia cầm

Cơ quan chuyên môn tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm cho các hộ nuôi nhỏ lẻ ở Cam Lâm

Hiện nay, các địa phương tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi. Trong đó, đàn gia cầm đã tiêm xong. Công tác tiêm phòng cho đàn heo, bò cũng sẽ hoàn tất trong ít ngày tới. Tại huyện Diên Khánh, lực lượng thú y các địa phương và người chăn nuôi tập trung tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh, khống chế trong phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan.

Tại huyện Cam Lâm, trong số gần 788.000 con gia cầm, có 10% thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phân bổ cho Trạm Thú y Cam Lâm 61.600 liều vắc xin để triển khai tiêm phòng cho các cơ sở có quy mô đàn gia cầm dưới 500 con. Các trang trại tư nhân, hộ gia đình có quy mô đàn gia cầm từ 500 con trở lên đã chủ động đăng ký mua hơn 25.000 liều vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình dưới sự giám sát của nhân viên thú y. Riêng các trang trại thuộc các công ty chăn nuôi trên địa bàn huyện như: CP, Emivest, Japfa, Vietswan… có đội ngũ bác sĩ thú y của công ty phụ trách. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1,5 triệu lượt con gia cầm được tiêm phòng vắc xin H5N1. Việc tiêm phòng gia cầm đã được hoàn thành vào ngày 30-9. Đối với đàn heo hơn 200.000 con trên địa bàn huyện, hầu hết được nuôi trong các trang trại, gia trại cơ bản đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y. Công tác tiêm phòng và các biện pháp phòng dịch trên đàn vật nuôi luôn được các chủ trang trại, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi tại 7 hộ thuộc 6 thôn, 5 xã của TP. Nha Trang, huyện Khánh Sơn và huyện Vạn Ninh. Số heo bệnh, chết buộc tiêu hủy là 164 con với khối lượng 5.664 kg. Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại 1 hộ ở huyện Vạn Ninh làm 1 con bê mắc bệnh và chết với khối lượng tiêu hủy 65 kg.

Hiện nay, người chăn nuôi ở Cam Lâm cũng như trên toàn tỉnh đang tập trung tổ chức tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và tiêm phòng vắc xin dịch tả cổ điển, tụ huyết trùng trên đàn heo. Hoạt động tiêm phòng đợt 2 cho gia súc sẽ hoàn tất trong tháng 10.

Triển khai tổng vệ sinh trong tháng 12

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời tiết ở tỉnh thường có mưa nhiều tập trung vào tháng 10 và 11 hàng năm. Sau đợt mưa này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm dễ phát sinh và lây lan do sức đề kháng của vật nuôi bị suy giảm. Đồng thời, đây là thời điểm có tổng đàn gia súc, gia cầm cao nhất để chuẩn bị thực phẩm phục vụ dịp lễ, Tết. Do vậy, Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2 trên địa bàn tỉnh thường sẽ được triển khai vào tháng 12.

tiêm phòng cúm gia cầm

Hộ chăn nuôi quy mô trang trại ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) tổ chức tiêm phòng cho đàn gà.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền tới các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm; các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật tiến hành vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ và tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất hệ thống chuồng trại, trang thiết bị, khu vực giết mổ, kinh doanh, phương tiện vận chuyển… để phòng ngừa dịch bệnh. Tùy vào quy mô chăn nuôi, ấp nở…, các chủ cơ sở vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất với liều lượng và tần suất khác nhau, đảm bảo đáp ứng theo quy định.

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tại các địa phương, lực lượng thú y sẽ tiến hành các bước hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đảm bảo thực chất, hiệu quả; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, phân phối gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật theo quy định.

Hồng Đăng

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *