Mới đây, nhóm nghiên cứu do ông Tôn Thất Thạnh – Tập đoàn Quế Lâm làm trưởng nhóm đã nghiên cứu, sản xuất thành công bánh ép hương liệu chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
Hộ ông Nguyễn Văn Lịch ở xã Phong Thu (Phong Điền) được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ chăn nuôi lợn hữu cơ từ 5 năm nay với 8 lợn nái và hàng trăm lợn thịt, sản phẩm xuất chuồng mỗi năm đạt 12 tấn thịt lợn hơi đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình. Ông Lịch khẳng định, chăn nuôi lợn hữu cơ không sử dụng hóa chất, kháng sinh và các chất gây hại, mà hoàn toàn áp dụng công nghệ sinh học, bánh ép hương liệu để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, xử lý môi trường chuồng trại.
Các sản phẩm bánh ép hương liệu thảo dược
Theo ông Lịch, nuôi lợn hữu cơ hoàn toàn không sử dụng nước tắm, không dội nước trong chuồng đã tiết kiệm chi phí so với chăn nuôi truyền thống. Do sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn và đệm lót vi sinh, hun xông bánh hương liệu nên chuồng trại không có mùi hôi, không khí đảm bảo, không bị ô nhiễm môi trường. Quá trình chăn nuôi hầu như không xảy ra dịch bệnh, nhất là các loại bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi… Mới đây, hộ ông Lịch còn nuôi thêm 10 con bò hữu cơ, quá trình nuôi hoàn toàn cho ăn cỏ, rơm rạ, tận dụng trái cây hư hỏng trong vườn làm thức ăn và dùng bánh ép hương liệu để phòng ngừa dịch bệnh cho bò.
Ông Tôn Thất Thạnh – Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, trong chăn nuôi quy mô công nghiệp hay gia trại lâu nay, người dân thường phun các loại hóa chất benkocid, haniodin, hantox… để diệt vi sinh và côn trùng, vệ sinh chuồng trại và trong không khí. Đây là các loại hóa chất tiêu diệt vi sinh có hại và cả có lợi, các loại côn trùng như ruồi, muỗi… Tuy nhiên, biện pháp này gây hại cho sức khỏe con người và vật nuôi, tác hại đến môi trường đất, nước, không khí và nguy cơ ô nhiễm nguồn thịt do khả năng gia súc, gia cầm tiếp súc với hóa chất.
Trong khi đó, quá trình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, Tập đoàn Quế Lâm đã đồng hành với các hộ dân liên kết chuỗi chăn nuôi hữu cơ trên cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế. Chăn nuôi theo phương thức hữu cơ hoàn toàn “không sử dụng hóa chất, không kháng sinh, không chất cấm, không xả thải gây ô nhiễm môi trường…”. Chăn nuôi phải bảo vệ được môi trường nhưng không gây hại cho người và gia súc thông qua việc xử lý tiểu khí hậu chuồng nuôi.
Trước yêu cầu này, nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Quế Lâm do ông Tôn Thất Thạnh làm trưởng nhóm đã sáng chế “bánh nén” các thảo dược hun xông xử lý tiểu khí hậu chuồng trại, đã áp dụng thành công, hiệu quả trong chăn nuôi và đời sống con người.
Ông Tôn Thất Thạnh chia sẻ, trên cơ sở các kinh nghiệm của dân gian, tri thức bản địa và kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, các loại thảo dược thường được sử dụng trong cuộc sống, y học và chăn nuôi. Chẳng hạn như hun xông bằng bồ kết mỗi khi người hay loài vật sinh đẻ, xua đuổi các côn trùng như ruồi, muỗi, gián, chữa bệnh trướng hơi cho trâu, bò, hay các loại lá cỏ để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh như cảm cúm… và tăng sức đề kháng một cách tự nhiên. Bằng biện pháp dân gian kết hợp với y học hiện nay có thể nghiên cứu trồng, chiết xuất, chế biến bánh ép hương liệu từ các cây thảo dược có hàm lượng tinh dầu cao.
Các nghiên cứu đã chứng minh các loại tinh dầu thực vật (thảo dược) có tiềm năng lớn cho việc thay thế kháng sinh vì có đặc tính khánh khuẩn, chống viêm, chống ô-xy hóa. Tinh dầu thảo dược còn tăng khả năng tiêu hóa và miễn dịch như một loại vắc-xin tăng cường sức khỏe và giảm sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh, khử mùi hôi, khí độc.
Theo ông Thạnh, khoa học hiện nay đã chiết xuất các tinh dầu từ thảo dược như tinh dầu tràm, dầu sả, oải hương… được ứng dụng vào thực tế; tuy nhiên chưa tổng hợp được tất cả các loại thảo dược có tinh dầu làm thành một hỗn hợp để xử lý tiểu khí hậu trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm hay nhà ở của người dân.
Từ mục đích và ý nghĩa đó, trên cơ sở khoa học và thực tiễn kinh nghiệm dân gian, tri thức bản địa vùng miền, nhóm nghiên cứu của ông Thạnh đã có những sáng kiến phù hợp trong sản xuất, chăn nuôi hữu cơ. Nhóm đã trồng và chế biến các loại thảo dược từ thiên nhiên như cây tràm (năm gân), hương bài, sả, bồ kết, rèng, xuyên tâm liên, vỏ cam và bưởi… Sau khi thu hoạch, các loại thảo dược này được sấy khô với độ ẩm dưới 12%, rồi đem nghiền và ép đóng thành bánh (bánh nén thảo dược) và đóng gói để tránh ẩm, đem xông cho vật nuôi.
Một nghiên cứu sáng kiến khác là chế tác các lò đốt để tỏa khói các loại hương từ bánh nén thảo dược khi đốt để hun xông trong chuồng trại. Mỗi lần đốt, bánh ép hương liệu tỏa khí được khoảng 4 giờ, tỏa khói lẫn hương dầu lâu hơn. Từ thành công trên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng lò đốt xông cho người.
Qua đánh giá của các hộ chăn nuôi, sản phẩm này dễ sử dụng, dễ vận chuyển, dễ bảo quản, không gây hại cho môi trường, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho động vật và cả con người. Bánh ép hương liệu tạo khói sẽ tiêu diệt và xua đuổi các loại côn trùng có hại như gián, ruồi, muỗi, chuột… là động vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho các loại vật nuôi. Khi xông khói còn sưởi ấm chuồng nuôi gia súc, gia cầm vào mùa mưa rét.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế