Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp thành phố đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác này đang được các địa phương nỗ lực thực hiện, nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong những tháng cuối năm.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học phát triển tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Nhiều hộ chăn nuôi heo ở huyện ngoại thành của TP Cần Thơ đã tập trung tái đàn, đầu tư con giống, chăn nuôi heo thịt ngay từ những tháng đầu năm 2024. Hiện nay đang mùa mưa bão, việc chăn nuôi gặp khó khăn và cần đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh xuất hiện ảnh hưởng đàn gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trong mùa mưa bão, chăn nuôi heo, gà, vịt rất cực, vì vật nuôi dễ bị bệnh nên việc chăm sóc, vệ sinh, khử trùng phải được thực hiện chu đáo, do đó chi phí chăn nuôi cũng tăng lên… Hiện giá heo hơi ổn định, người nuôi có lợi nhuận nhưng không cao”.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện nay sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng 50 – 70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng. Giá heo hơi dao động ở mức từ 64.000 – 68.000 đồng/kg; giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 75.000 – 80.000 đồng/kg; giá gà ta ở mức từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, giá vịt hơi từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lợi nhuận không cao do chi phí thức ăn ở mức cao…
Ðến cuối tháng 6-2024, TP Cần Thơ có tổng đàn heo là 127.680 con, vượt 2,1% so với kế hoạch năm, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023; đàn trâu 252 con; đàn bò 3.879 con, vượt 7,8% so với kế hoạch; đàn gia cầm hơn 2,1 triệu con, vượt 5,3% so với kế hoạch. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn có 303 cơ sở nuôi chim yến, với tổng số nhà yến là 324 nhà và tổng đàn trên 198.000 con… Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, như bệnh tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ. Kết quả này là nhờ ngành Thú y thành phố thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập, quá cảnh lưu thông trên địa bàn thành phố; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giết mổ, mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không đúng quy định đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Ðồng thời, ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch bệnh để tổ chức xử lý ổ dịch một cách nhanh chóng, kịp thời tránh lây lan diện rộng khi có dịch bệnh xảy ra…”.
Những tháng cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng nguồn giống cho người sản xuất, nuôi trồng. Tổ chức kiểm tra, giám sát điều kiện nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở nuôi và giết mổ gia súc; đồng thời kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông tiêu thụ sản phẩm; phối hợp các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản theo kế hoạch và tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm…
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã đưa ra những giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố, giải quyết khó khăn về vốn, về giống cũng như phát triển thị trường để lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bền vững theo quy hoạch. Theo đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phối hợp với các quận, huyện, các sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn đồng hành với người chăn nuôi trong triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyển từ chăn nuôi truyền thống, hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm.
Ngoài phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang phối hợp với các quận, huyện đề xuất quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng tập trung, hướng đến nuôi heo theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp trên 70%, và trên 45% đối với gia cầm. Ngoài ra, trong kế hoạch thì TP Cần Thơ sẽ đầu tư 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ với quy mô là 264 ha và tại xã Ðông Bình, huyện Thới Lai với quy mô khoảng 333 ha. Ðồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phù hợp với phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện ngành Nông nghiệp thành phố cũng thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn về chứng nhận VietGAP; hỗ trợ chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 22 cơ sở chăn nuôi. Ðồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi heo sinh sản và mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học… Ông Nguyễn Văn Sử nhấn mạnh: “Ngoài kế hoạch trên, ngành cũng phối hợp đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, các công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có gia súc, gia cầm tiêu hủy bắt buộc giúp người chăn nuôi khôi phục, tái đàn. Hằng năm, ngành Nông nghiệp thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ vaccine cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 2.000 con, bình quân có 3 triệu liều vaccine/năm, góp phần ổn định hoạt động chăn nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi…”.
Bài, ảnh: Hà Văn
Nguồn: Báo Cần Thơ