Những năm gần đây, trước những biến động về giá cả thị trường cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, chăn nuôi thỏ đơn lẻ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đứng trước thực trạng đó, nhiều hộ dân tại Thanh Hóa đã xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học – kỹ thuật, cung cấp sản phẩm có chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Để phát triển kinh tế gia đình, anh La Đình Tâm, xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa) đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi thỏ. Qua tìm hiểu, nhận thấy những tiềm năng của việc nuôi thỏ New Zealand, như: dễ chăm sóc, khả năng sinh sản nhanh, thích hợp với khí hậu ở địa phương,… nên anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, lắp đặt hệ thống thông gió, điều hòa làm mát, máng nước tự động, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi… Theo anh Tâm: Thỏ New Zealand có ưu điểm sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, thức ăn đa dạng, phong phú, dễ tìm… Trung bình một con thỏ mẹ giống một năm đẻ được từ 6-7 lứa, mỗi lứa khoảng 5 đến 8 con. Thỏ con sau sinh, nuôi hơn 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg/con và có thể xuất bán. Nhận thấy đây là mô hình sản xuất có khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh, mang lại thu nhập ổn định, anh Tâm đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Thiệu Duy. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được cung cấp giống có chất lượng tốt và được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên tổ hợp tác còn được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại và các bệnh thường gặp ở thỏ. Sau thời gian hoạt động, hiện nay, tổ hợp tác đã có 12 thành viên tham gia, nhiều thành viên đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích chuồng, phát triển số lượng đàn vật nuôi. Anh Tâm cho biết: Việc tạo dựng được liên kết trong sản xuất, ổn định về đầu ra, giá thành là một lợi thế lớn của các hộ chăn nuôi thỏ thương phẩm, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay, tuy việc tiêu thụ bị chậm lại, hao tốn thêm chi phí thức ăn, song do đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên giá thỏ thương phẩm vẫn giữ mức ổn định. Thời gian tới, tổ hợp tác sẽ phát triển đàn thỏ giống, thỏ thịt, mở rộng diện tích chuồng, xây dựng mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Mô hình nuôi thỏ tại xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa.
Anh Nguyễn Công Tùng, xã Dân Lực (Triệu Sơn) cũng đã thành lập HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nhiều hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về công việc của mình, anh Tùng cho biết: Khi mô hình chăn nuôi thỏ ngày càng phát triển, năm 2019 tôi đã phối hợp với một số hộ thành lập HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand. Qua hơn 2 năm hoạt động, đến nay, HTX đã có 26 xã viên, ở các huyện như: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Đông Sơn, Thường Xuân,… Hiện, HTX đang thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Công ty Nippon Zoki khoảng 2.000 đến 3.000 con thỏ/tháng và hàng nghìn thỏ thương phẩm cho các thương lái trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Cũng theo anh Tùng, tham gia vào HTX, các xã viên được hỗ trợ cung cấp thỏ giống New Zealand, hướng dẫn xây dựng chuồng trại và nuôi thỏ theo quy trình kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng cao; nhất là, bảo đảm thu mua số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho doanh nghiệp và các thương lái. Bên cạnh đó, HTX tích cực tham gia các chương trình hội thảo, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức cho các xã viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ thành công trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhờ thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, các thành viên yên tâm sản xuất. HTX còn là địa chỉ tin cậy cung cấp thỏ giống cho các trang trại, hộ chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt thỏ an toàn cho các quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi thỏ hiện nay đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định sản xuất, bảo đảm hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi, đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có chuỗi liên kết bền vững người chăn nuôi cần chủ động đầu tư chuồng trại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nghiên cứu thị trường để có phương án mở rộng quy mô phù hợp theo từng thời điểm để nâng cao giá trị kinh tế.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa