(Người Chăn Nuôi) – Theo kỹ sư Võ Đông Đức, người hơn 20 năm chuyên làm trong ngành giống thì cha ông ta xưa không coi trọng về giống, theo quan niệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nhưng quan niệm của nền nông nghiệp hiện đại, yếu tố giống cần được đặt lên hàng đầu. “Nếu giống kém chất lượng thì dù chăm chỉ, chăm sóc đến đâu người nuôi cũng khó thành công”, Kỹ sư Võ Đông Đức cho biết. Tuy nhiên, ngành giống Việt Nam nói chung đang phụ thuộc nhiều vào giống ngoại nhập.
Giá heo giống tăng kỷ lục
Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi tăng cao, nhu cầu tái đàn lớn nên giá heo giống cũng tăng chóng mặt. Giá heo hơi cuối tháng 5, đầu tháng 6 dao động 140.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại.
Giá heo tăng cao ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh khác. Chị Mai, chủ tiệm hủ tiếu quận 7, TP Hồ Chí Minh nói: “Hủ tiếu chủ yếu dùng thịt heo, giá thịt heo tăng mà giá bán hủ tiếu không thể tăng cao hơn được, nên phải chuyển qua kinh doanh ngành khác”. Giá thịt heo tăng kéo theo các loại thịt khác cũng lên cao.
Việc tái đàn heo sau ASF đang gặp khó khăn do giá con giống tăng cao, dao động khoảng 2,7 – 3 triệu đồng/con. Đáng nói là giá heo giống cao nhưng không có để mua, cứ nghe tin heo đang nằm trong bụng mẹ, các thương lái và người mua đã tìm đến đặt cọc.
Tình hình càng khó khăn hơn, khi không chỉ đại dịch ASF ảnh hưởng mà đàn heo nái bố mẹ nhập những năm 2016, 2017 nay đã đến lượt phải thay thế, do đàn heo giống khoảng 4 năm phải thay.
Nhập heo giống ồ ạt
Việt Nam nhập các nguồn gen heo cao sản chất lượng cao, thuộc các dòng, giống Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain… từ Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Đan Mạch để làm nguyên liệu lai tạo ra đàn heo nái sản xuất.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ heo nái ngoại từ 19,8% (năm 2013) tăng lên 20,4% (năm 2014) và đạt 22,4% (năm 2015) với tốc độ tăng trưởng khoảng gần 2% mỗi năm.
Năm 2015, cả nước nhập khẩu 8.075 con heo giống cụ kỵ và ông bà. Năm 2016, nhập khẩu con giống tăng đột biến với 9.521 con heo giống cụ kỵ và ông bà. Năm 2017, nhập khẩu 2.027 con. Năm 2018, tổng số heo giống ông bà và bố mẹ nhập khẩu cả nước năm 2018 giảm mạnh, đạt 926 con, 7 tháng đầu năm 2019, chỉ nhập khẩu 350 con heo giống. Theo số liệu đăng ký, năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12.000 con heo giống trong năm 2020. Tính đến ngày 18/4, số lượng nhập khẩu heo giống gốc là 3.016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019.
Tích cực tạo các dòng mới
Các nghiên cứu cho thấy, đàn heo nái nội, chất lượng con giống chưa cao, 1,8 lứa đẻ/nái/năm, khối lượng xuất chuồng khoảng 51 kg, tính bình quân chỉ sản xuất được 10 con heo thịt xuất chuồng/nái/năm đạt hơn 500 kg thịt hơi/nái/năm, tiêu tốn thức ăn cao khoảng 4,5 – 5,2 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Thời gian vừa qua, trên cơ sở các giống heo trong nước và các giống nhập ngoại, Việt Nam đã tạo ra các dòng, giống mới có năng suất tương đương giống ngoại nhập. Hình thành các giống heo siêu nạc với năng suất sinh sản đạt 26 – 28 con/nái/năm và kháng stress. Khối lượng xuất chuồng bình quân trên 100 kg/con/năm đạt hơn 2 tấn thịt hơi/nái/năm, tiêu tốn 2,4 – 2,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Trước thành công trên, ngành nông nghiệp định hướng tiếp tục cải tiến con giống, nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo các giống heo trong nước với một số giống heo có năng suất chất lượng cao nhập ngoại, nhằm tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả để tạo sức cạnh tranh.
Hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến mới đây cho biết, ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn do ASF, thậm chí có tháng phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con heo. Thứ trưởng đánh giá cao các tỉnh, thành đã hỗ trợ đầu tư đàn giống bố mẹ cho người nuôi. Hà Nội đã hỗ trợ cho người chăn nuôi 5 triệu đồng/con nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/con đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu heo. Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/con nái.
Với 115.000 con heo cụ kỵ, ông bà được nhân đàn tại chỗ, kết hợp nhập tinh heo về để làm tươi máu đàn heo cụ kỵ, ông bà, đồng thời đẩy mạnh nhập đàn heo cụ kỵ, ông bà… Bộ NN&PTNNT dự kiến cả nước sẽ sản xuất trên 2,9 triệu con nái, đủ giống cho thời gian tới. Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu heo giống với trên 110.000 con. Riêng đàn giống thế hệ ông bà, cụ kỵ đã nhập khẩu về nước là 5.016 con, dự kiến nhập thêm 10.000 con nữa trong thời gian tới.
Bảo tồn giống heo bản địa
Việc phụ thuộc ngày ngày nhiều vào heo giống ngoại nhập khẩu đã đặt ra vấn đề bảo tồn đàn heo bản địa. Bởi vì thực tế chăn nuôi heo hiện chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa. Việt Nam có khoảng 20 giống heo bản địa có tiềm năng phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp, song vấn đề lớn nhất vẫn là tăng tỷ lệ nạc.
Việt Nam đã thực hiện dự án “Thành lập hệ thống ngân hàng gen đông lạnh cho các giống heo bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) đồng tài trợ và thực hiện với Viện Chăn nuôi. Dự án kéo dài 5 năm và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5/2020. Chuyên gia Nhật Bản GS. Kazuhiro Kikuchi, cho rằng: “Heo bản địa Việt Nam chịu được điều kiện chăn nuôi kém vì chúng sống bằng thức ăn sống, nhưng thịt lại rất ngon, điều này rất quan trọng về mặt thực phẩm, vì nó làm tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt heo bản địa”.
>> Trước tình hình khan hiếm con giống, Bộ NN&PTNT đã lên phương án nhập khẩu 20.000 heo nái và 200 heo đực về để nhân giống, tái đàn. Vào giữa tháng 5, lô heo bố mẹ nhập khẩu đầu tiên với khoảng 250 con đã về đến Việt Nam. |