Chăn nuôi được huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì vậy, huyện đã khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
Thân thiện với môi trường
Quảng Đông là xã ven biển của huyện Quảng Trạch. Với đặc thù là vùng đất cát nghèo chất dinh dưỡng nên kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào biển và lâm nghiệp. Tận dụng đặc điểm đó, anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Vịnh Sơn đã nảy ra ý định nuôi cá chình trên cát.
Anh cho biết, mong muốn thay đổi và tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của địa phương, sau một thời gian tìm hiểu các mô hình trên mạng và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình ở các địa phương khác, anh trở về và quyết định xây dựng mô hình nuôi cá chình trên cát.
Vốn là một cử nhân của Trường đại học Nông – Lâm Huế nên anh Thanh không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và xây dựng mô hình chăn nuôi cá chình áp dụng khoa học kỹ thật cao. “Điều kiện khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt. Chính vì vậy, nếu nuôi cá theo mô hình đơn giản, truyền thống thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Hơn nữa, cá chình là loại không thích ánh sáng nhiều.
Vì thế, tôi đã đầu tư vốn để xây dựng bể nuôi theo mô hình khép kín. Mô hình của tôi gồm hệ thống mái che và bể nuôi. Hệ thống bể nuôi gồm 5 bể, trong đó 3 bể dành để nuôi cá chình; 1 bể lọc với chức năng lọc nước từ ngoài môi trường trước khi đưa vào hồ nuôi; 1 bể vi sinh với chức năng dùng để lọc các tạp chất, vi khuẩn có hại từ nước đã sử dụng ở bể nuôi cá.
Nước sau khi lọc sẽ được đưa vào các bể nuôi cá để tái sử dụng. Cứ như vậy, mô hình này sẽ được vận hành liên tục và khép kín. Nước bẩn sẽ không bị thải ra ngoài và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh”, anh Thanh chia sẻ.
Ngoài hệ thống bể nuôi, bể lọc và bể vi sinh, hiện nay, mô hình nuôi cá chình còn được anh Thanh đầu tư thêm máy đo nồng độ oxi và độ PH trong nước. Nếu độ PH và oxi trong nước quá thấp hoặc quá cao thì máy sẽ tự động báo và hệ thống máy bơm oxi và nước có điều chỉnh thích hợp. Nhờ việc áp dụng máy móc, công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, mô hình nuôi cá chình của anh Thanh không chỉ giảm được sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường mà còn bảo đảm được kỹ thuật nuôi, cá sinh trưởng tốt.
Hiện nay, 4.000 con cá chình vụ đầu tiên đã gần 2 năm tuổi, có cân nặng trên 1kg và có thể thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, việc thu hoạch cá bị ngưng trệ. Tuy nhiên, theo anh Thành việc cá chình nuôi càng nhiều năm và cân nặng càng lớn thì giá trị kinh tế sẽ rất cao.
“Cá chình là một trong những loại thủy sản nước ngọt đang được thị trường ưa chuộng và dễ nuôi nếu biết áp dụng kỹ thuật. Chính vì vậy, dự định trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi lên gấp đôi, từ 500m2 lên 1ha để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho lao động trong vùng”, anh Nguyễn Văn Thanh cho hay.
Hướng đi bền vững
Với những ưu điểm mà công nghệ cao mang lại, nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng phương thức sản xuất này trên địa bàn huyện cũng đã ra đời và cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi lợn và đà điểu của chị Phạm Thị Liên, xã Quảng Hưng là một điển hình. Cũng với đặc trưng là vùng đất cát ven biển, đất đai nghèo chất dinh dưỡng nên vợ chồng chị Phạm Thị Liên đã tìm hướng đi mới là nuôi đà điểu trên cát. Chị Liên cho biết, đà điểu là loài có thể sống được ở môi trường khắc nghiệt và vùng đất cát.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi đà điểu khép kín của chị Phạm Thị Liên
Tận dụng đặc điểm đó, năm 2011, vợ chồng chị đã nuôi thử nghiệm 50 con. Sau một thời gian thấy đà điểu sinh trưởng tốt và hợp với khí hậu của vùng, vợ chồng chị đã bàn nhau mở rộng và đầu tư thêm hệ thống chuồng trại với quy mô lớn. Chuồng nuôi được xây dựng theo mô hình khép kín.
Phân của đà điểu sau khi thu gom và đưa vào hầm xử lý sẽ được dùng để bón rau và bèo. Rau và bèo sau đó sẽ được sử dụng làm thức ăn cho đà điểu. Ngoài hệ thống chuồng nuôi khép kín, vợ chồng chị còn đầu tư xây dựng nhà ấp trứng cho đà điểu để sản xuất con giống. Hiện tại, trang trại gia đình chị đang nuôi 400 con đà điểu, mỗi năm cho thu nhập khoảng từ 2,5-3 tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
Từ thành công của mô hình nuôi đà điểu, hiện nay, vợ chồng chị Liên đã mở rộng đầu tư chuồng trại theo mô hình công nghệ cao để chăn nuôi lợn. Chị Liên cho biết: “Kinh nghiệm từ việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi đà điểu vợ chồng tôi nhận thấy, chỉ có áp dụng phương thức chăn nuôi công nghệ cao mới đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Với suy nghĩ đó và mong muốn sẽ tạo việc làm cho con em quê hương, vợ chồng tôi đã quyết định mở rộng mô hình để đầu tư chăn nuôi lợn.
Với quy mô 2 chuồng nuôi lớn, vợ chồng tôi hiện tại đang nuôi 100 con lợn nái để lấy giống. Toàn bộ khu nuôi đều xây theo mô hình khép kín được trang bị máng ăn tự động, hệ thống quạt thông gió, hệ thống xử lý phân… theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Dự định trong thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ thành lập HTX chăn nuôi công nghệ cao để chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết đầu ra cho bà con trong vùng”.
>> Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết: "Chăn nuôi áp dụng công nghệ cao đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 30 mô hình chăn nuôi công nghệ cao lớn và nhỏ, trong đó có nhiều mô hình hoạt động tương đối hiệu quả, từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi cho người dân".
Đ.Nguyệt
Nguồn: Báo Quảng Bình