(Người Chăn Nuôi) – Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ cấu chăn nuôi Việt Nam trong 10 năm tới sẽ thay đổi lớn, chủ yếu sẽ là cuộc chơi của các trang trại quy mô lớn, chuyên nghiệp, áp dụng các phương pháp chăn nuôi hiện đại.
Chăn nuôi công nghiệp chú trọng chuỗi liên kết để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro, giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Từ câu chuyện cuộc khủng hoảng giá heo, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ “chết” dần, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm ngành chăn nuôi tự sàng lọc để chuyển hướng sang quy mô nuôi công nghiệp, quy mô lớn theo hướng bền vững.
Thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ thay đổi lớn Ảnh: Vũ Mưa
Đoạn tuyệt cách làm cũ
Giá heo hơi hiện nay đang xoay quanh mức 50.000 đồng/kg, mức giá cao để người chăn nuôi có lãi lớn. Thế nhưng ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trải qua thời gian dài giá bán thấp dưới giá thành, người chăn nuôi nhỏ lẻ đã “chết” vì không thể cầm cự nổi, thậm chí các trang trại quy mô cũng hết đất sống vì thua lỗ.
Theo ông Đoán, hiện nay khả năng tái đàn rất khó xảy ra đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, các trang trại quy mô công nghiệp, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hiện đại với tiềm lực tài chính, chi phí giá thành thấp hơn vẫn có thể cầm cự để vượt qua được giai đoạn khủng hoảng. Đây là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam nếu không muốn khủng hoảng lặp đi lặp lại, đảm bảo đầu ra, sản phẩm chất lượng được kiểm soát theo chuỗi, người tiêu dùng hưởng lợi.
“Một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hiện đang tham gia chuỗi chăn nuôi heo công nghiệp. Với xu hướng tái cơ cấu này, cơ hội dành cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là không nhiều. Đây không phải là cơ hội tốt để người dân tái đàn. Trong tương lai, mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ cũng suy yếu dần”, ông Đoán khẳng định.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Nhược điểm lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, ai biết phận người đó. Mỗi khâu trong chuỗi chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc… cho đến thương lái hay bán lẻ đều cố tìm mọi cách để có lợi nhuận cao nhất cho mình bất kể điều đó phải làm thiệt hại đến khâu khác. Đây là kiểu làm ăn “vui từ nỗi buồn của người khác”, điều này khiến ngành chăn nuôi yếu, không có sức cạnh tranh, chưa kể các tồn tại như an toàn thực phẩm, chất tạo nạc, tạo màu, heo bơm nước…
“Muốn tồn tại và phát triển, ngành chăn nuôi cần phải đoạn tuyệt hẳn cách làm ăn cũ. Thay vào đó, phải hình thành các tập đoàn lớn phát triển một chuỗi hoàn chỉnh, từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi và phân phối. Còn lại sẽ thành lập các trang trại chăn nuôi vệ tinh theo hình thức gia công hoặc hợp đồng”, ông Bình nói thêm.
Nâng chất lượng, tăng giá trị
Nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ chuyển dịch nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp mà còn cần đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất… Có như vậy mới có thể hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của sản phẩm thì khâu quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng con giống. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn giống từ nước ngoài, đặc biệt là các giống gà công nghiệp lông trắng, giống vịt chất lượng cao… Do phụ thuộc nước ngoài về nhập khẩu nên gần như bị động trong sản xuất. Bên cạnh đó, giá sản xuất con giống ở nước ta sẽ bị đội lên, cao hơn các nước trong khu vực 10 – 15%. Chính vì thế, nếu cải thiện được chất lượng con giống, giá thành chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Đồng thời, theo ông Ngọc, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cũng cần hướng đến giá trị gia tăng để xuất khẩu. Thực tế cũng cho thấy một số công ty tại Việt Nam đã rất thành công khi đầu tư chuỗi sản xuất thịt gà chất lượng cao từ trang trại đến bàn ăn và được khách hàng tại Nhật Bản bước đầu ưa chuộng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giảm giá thành là bước đi tất yếu mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải làm ngay. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận, đến thời điểm này, các trang trại chăn nuôi heo ở Đông Nam bộ đã đầu tư hệ thống chuồng kín để hạn chế rủi ro, cũng là biện pháp hạ giá thành. Những doanh nghiệp vốn lớn đầu tư cả hệ thống chuồng lạnh, giúp năng suất chăn nuôi tăng hơn 10%, dịch bệnh được hạn chế ở mức thấp nhất. Trang trại chăn nuôi có hệ thống chuồng lạnh trên địa bàn đã chiếm đến 10%.
Theo ông Đoán, để hạ giá thành, cần nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng con giống, thức ăn. Chuồng trại cũng phải đạt chuẩn mới giúp vật nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập và sử dụng các giống tiên tiến nhất thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; Đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngay từ bây giờ trước khi quá muộn…
>> Cục Chăn nuôi cho rằng, cơ cấu chăn nuôi Việt Nam trong 10 năm tới, hình thức chăn nuôi trang trại sẽ ngày càng chiếm ưu thế, với sản lượng chăn nuôi từ trang trại sẽ chiếm khoảng 70 – 75% tổng sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm mạnh, với tốc độ giảm 5 – 7%/năm. Cục Chăn nuôi dự báo sản lượng chăn nuôi từ nông hộ chỉ còn dưới 30% đến năm 2028. |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Chú trọng chăn nuôi heo theo chuỗiMục tiêu và nhiệm vụ đối với ngành chăn nuôi heo là tăng năng suất và hạ giá thành. Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt heo. Theo đó, ngành sẽ tái cơ cấu các nội dung tổ chức chăn nuôi heo theo các chuỗi liên kết, đứng đầu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ theo nhiều hình thức; Áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả. Đầu tư hiện đại hóa hoạt động giết mổ, chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm thịt heo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ Nuôi gia cầm chuyển hướng gia côngNgành chăn nuôi gia cầm tại Đông Nam bộ hiện không còn quy mô nhỏ lẻ mà chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn, đặc biệt là các công ty từ châu Âu đầu tư vào Việt Nam theo hình thức liên kết với người chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các khâu liên kết giữa người chăn nuôi và nhà sản xuất đã cơ bản hoàn thành, sắp tới sẽ là giai đoạn đưa thịt có thương hiệu ra thị trường. |
Quang Huy