Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, Điện Biên đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Nhờ những chính sách sát thực tế, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, chăn nuôi gia súc không chỉ giúp người dân vùng cao nâng cao thu nhập mà còn tạo bước chuyển quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Với lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng, khí hậu phù hợp, đồng cỏ tự nhiên phong phú, Điện Biên có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là trâu, bò, dê. Điện Biên cũng là 1 trong 10 tỉnh có số lượng đàn trâu, đàn dê lớn nhất cả nước; chất lượng và giá trị dinh dưỡng thịt trâu, bò, dê của tỉnh được đánh giá cao. Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” xác định rõ hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với chuỗi giá trị, thị trường ổn định, bền vững. Qua đó, từng bước chuyển từ quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Người dân xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông chăn nuôi bò. (ảnh CTV)
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trung bình 3,15%/năm. Trong đó: Đàn trâu 142.445 con, tăng 1,52%/năm, sản lượng thịt 4.102 tấn; đàn bò 116.625 con, tăng 5,5%/năm, sản lượng thịt 3.327 tấn; đàn dê 70.090 con, tăng 2,88%/năm, sản lượng thịt 785 tấn. Ngoài ra, 100% sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh và truy xuất nguồn gốc. Trong đó 25% thịt trâu, bò được chế biến; 40% sản phẩm trâu, bò và 70% dê xuất tỉnh; phần còn lại tiêu thụ nội tỉnh. Diện tích trồng cỏ đạt 3.890ha, đáp ứng 40% nhu cầu thức ăn; tỷ lệ chăn nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt đạt 70%.
Huyện Điện Biên Đông là điểm sáng trong triển khai phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Huyện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung và vùng trồng cỏ tại các xã Chiềng Sơ, Luân Giói, Háng Lìa, Sa Dung. Đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống, thức ăn, xây dựng chuồng trại. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi nhốt, sử dụng thức ăn ủ chua, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc.
4 năm qua, huyện Điện Biên Đông triển khai hơn 110 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ hơn 3.000 con gia súc và mở 25 lớp tập huấn cho gần 900 lượt người. Nhờ đó, số lượng và chất lượng đàn gia súc tăng, người dân chuyển sang nuôi nhốt bán chăn thả, mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay huyện có gần 1.000ha cỏ voi, tổng đàn gia súc hơn 82.000 con, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hơn 17.000 con, thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò ước đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ dân đã làm giàu từ chăn nuôi.
Huyện Mường Nhé cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả kết hợp nuôi nhốt tập trung. Huyện đã ban hành đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung giai đoạn 2021 – 2025. Nhằm hỗ trợ người dân yên tâm phát triển chăn nuôi, huyện đã sử dụng ngân sách đầu tư trồng gần 200ha cỏ voi. Cùng với đó, người dân tự mở rộng hơn 100ha trồng cỏ, giúp chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay, toàn huyện có 6.618 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi.
Chị Hàng Thị Phua, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, cho biết: Trước đây tôi chỉ nuôi vài con trâu theo kiểu thả rông, hay bị bệnh, chậm lớn. Từ năm 2022 được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ trồng cỏ voi, vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, chuyển sang nuôi nhốt bán chăn thả, kiểm soát dịch bệnh.
Hiện nay huyện Mường Nhé có tổng đàn trâu, bò trên 18.000 con, tăng hơn 2.000 con so với trước khi thực hiện đề án. Đáng chú ý, số hộ tham gia chăn nuôi cũng tăng mạnh (tăng gần 700 hộ so với đầu nhiệm kỳ). Huyện Mường Nhé đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được từ 1 – 3 dự án “lõi” do doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt tập trung gắn với chuỗi liên kết sản phẩm; phát triển thêm 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi, hợp tác xã. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm trên 40% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
Triển khai Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn tỉnh đến tháng 4/2025 đạt gần 577.000 con. Trong đó, đàn trâu tăng bình quân 1,52%/năm, đạt 142.996 con (đạt và vượt chỉ tiêu đề ra); đàn bò tăng bình quân 5,5%/năm, hiện có 113.712 con (tiệm cận chỉ tiêu đề ra); đàn dê tăng bình quân 2,88%/năm, đến năm 2025 đạt 70.090 con. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2023 và 2024 đạt 5.800 tấn (mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 là 4.102 tấn); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 2 năm đạt gần 4.800 tấn (mục tiêu cả giai đoạn hơn 3.300 tấn). Nhiều mô hình chăn nuôi được nhân rộng, như chăn nuôi trâu, bò vỗ béo gắn với bao tiêu sản phẩm giúp ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân. Sản phẩm thịt gia súc của Điện Biên đã bước đầu được đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Người dân xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo trồng cỏ chăn nuôi trâu bò. (ảnh CTV)
Đối với diện tích trồng cỏ, cây thức ăn cho gia súc đến năm 2025 dự kiến đạt chỉ tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho trâu, bò, dê. Trong đó, một số địa phương có diện tích trồng cỏ lớn như Điện Biên Đông gần 1.000ha; Nậm Pồ, Tủa Chùa mỗi huyện gần 500ha; Mường Nhé 300ha…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ của Điện Biên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán cao, chủ yếu là giống địa phương, chất lượng chưa cao; phương thức chăn thả tự do dẫn đến giao phối cận huyết, làm suy giảm năng suất; tỷ lệ thịt xẻ còn thấp, chưa hình thành chuỗi liên kết hiệu quả trong giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ hạn chế, công tác xử lý chất thải chưa được chú trọng đúng mức, ảnh hưởng đến môi trường.
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để hình thành chuỗi giá trị bền vững. Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chăn nuôi, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Thành Đạt
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ