Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những địa bàn có số lượng cơ sở chăn nuôi nhiều nhất tỉnh. Thời gian qua, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường

Trang trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu tại xã Suối Rao đã được cấp giấy phép chăn nuôi gà với quy mô 60.000 con/lứa. Trang trại này đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước vệ sinh chuồng trại, hệ thống khử mùi, thực hiện thu gom phân định kỳ cuối lứa…

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc công ty cho biết, trước khi đầu tư trang trại, công ty đã tính toán các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) và thực hiện nghiêm công tác BVMT đối với nước thải, khí thải trong hoạt động chăn nuôi như đầu tư hầm biogas, hệ thống chuồng lạnh, khép kín, hệ thống xử lý chống khuẩn, quan trắc nước thải 3 tháng/lần… “Nhờ làm tốt công tác BVMT nên hơn 2 năm hoạt động, công ty không nhận được phản ánh nào từ phía người dân. Từ đó, công ty yên tâm hoạt động”, ông Thanh nói. 

chăn nuôi gắn bảo vệ môi trường

Hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Châu Đức đều đầu tư hầm biogas và chăn nuôi trong chuồng lạnh, hợp vệ sinh. Trong ảnh: Thương lái thu mua gà thịt tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyễn Thái Anh.

Trang trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyễn Thái Anh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang nuôi gà với quy mô 90.000 con/lứa. Bà Nguyễn Thị Hà, quản lý trang trại cho hay: “Cứ 3 – 4 tháng, hết một lứa gà, xuất chuồng xong thì chúng tôi cho gom phân 1 lần, bán cho đơn vị thu gom rồi xịt rửa chuồng trại”. 

Gia đình bà Đỗ Thị Hà (tổ 9, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) chăn nuôi heo từ năm 2012 đến nay. Với 80 con heo thịt thường xuyên duy trì trong chuồng, bà Hà đầu tư 2 hầm biogas (công suất 5 m3/hầm) để thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi. “Chất thải được thu gom triệt để vào hầm biogas, từ đây gia đình tôi tận dụng khí biogas để làm chất đốt nấu nướng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”, bà Hà cho biết.

Qua đợt giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Châu Đức do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vừa qua cho thấy, một số trang trại chăn nuôi với quy mô lớn đã thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể như xây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại, khép kín; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

 

Phát triển chăn nuôi bền vững

Ông Phạm Quý Nhân, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 61 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, gồm 40 trang trại chăn nuôi heo và 21 trang trại chăn nuôi gà. Trong đó, 4 trang trại được UBND tỉnh phê duyệt đề án BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); 16 trang trại được UBND huyện phê duyệt, xác nhận kế hoạch BVMT. Hiện nay, 35/61 trang trại thuộc diện di dời, chấm dứt hoạt động do nằm ngoài vùng quy hoạch chăn nuôi, 16 trang trại thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh và 10 trang trại thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện đang hoạt động.

Trong năm 2021, huyện đã kiểm tra theo định kỳ đối với 249/343 cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ sở chăn nuôi nằm ở thượng nguồn các hồ cấp nước. Qua kiểm tra, huyện đã kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các cơ sở chăn nuôi tự phát, không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các đoàn kiểm tra cũng hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện thực hiện quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện chăn nuôi heo, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT và QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

Đồng thời, huyện còn kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động xả thải của 15 cơ sở chăn nuôi nằm dọc các con suối chảy về hồ Đá Đen và 12 hộ chăn nuôi, 1 trang trại ở thượng nguồn suối Tầm Bó chảy về hồ Sông Ray. Huyện cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND cấp xã; bảo đảm nước thải chăn nuôi phải được thu gom, xử lý đúng quy định, không thải trực tiếp ra suối ở thượng nguồn các hồ cấp nước.

Ngoài ra, UBND huyện còn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học hoặc chuyển đổi ngành nghề từ chăn nuôi sang trồng nấm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay đã có 1.760 hộ ký cam kết.

Bài, ảnh: Quang Vũ

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn phát triển chăn nuôi và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Đáng chú ý là nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của nông dân đã chuyển biến tích cực để giữ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ông Đỗ Hồng Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Hiện nay, việc xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Do đó, thị xã đã tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các mô hình an toàn, vệ sinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Từ đó, lập hồ sơ để quản lý theo quy định của pháp luật và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2010-2020, Quảng Yên đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng và lắp đặt 1.268 công trình hầm Biogas, đến nay thị xã có 93% hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

nuôi lợn đệm lót sinh học

Mô hình nuôi lợn áp dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường của gia đình anh Vũ Văn Diên, khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành (TX Quảng Yên).

Với mô hình gia trại chăn nuôi trên 200 con lợn thịt, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2020 gia đình anh Vũ Văn Diên, Khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại. Anh Diên chia sẻ: Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn rất hiệu quả. Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật sử dụng làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm… Qua đó, đến nay đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Thời gian qua, công tác đảm bảo môi trường trong chăn nuôi đã được các địa phương, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 41.092 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 1.244 trang trại chăn nuôi và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý chiếm khoảng 79,6%. Trong đó, chất thải xử lý bằng sử dụng công trình khí sinh học (biogas) với trên 9.000 hầm Biogas (chiếm 22,6%). Hầu hết các trang trại đều có công trình xử lý chất thải, không xả thẳng ra môi trường; các doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi lớn đã quan tâm thực hiện xử lý môi trường, 100% có báo cáo đánh giá tác động hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm cũng như đảm bảo tốt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV Nông, lâm, ngư Quảng Ninh có đàn lợn giống gốc với tổng 710 con. Hàng năm, các doanh nghiệp này cung cấp gần 4.300 con nái bố mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; cung ứng khoảng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thực trạng thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi tại tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi có sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng lại vượt quá quy mô công suất, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường; tỷ lệ chăn nuôi nông hộ cao, theo tập quán một số hộ dân vẫn chăn nuôi theo hình thức (chăn thả, nhốt) gần khu sinh hoạt gia đình. Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khu vực nông thôn miền núi chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh mà thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, không khí và sức khỏe người dân xung quanh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực bố trí cho công tác quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ có chuyên môn chuyên trách về mảng môi trường nên khó khăn cho công tác quản lý.

Trong thời gian tới, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.

Ngày 26/10/2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT “Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác” (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022); trong đó có hướng dẫn về thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của thông tư đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi được biết và thực hiện theo đúng quy định. Về lâu dài, tỉnh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Quảng Ninh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *