Ông Hồ Minh Tài (57 tuổi, ở tổ 18, khu phố Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là một điển hình vượt khó vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi heo thịt.
Ông Tài đang chăm sóc đàn heo. Ảnh: Xuân Vinh
Ông Tài kể: Tôi bắt đầu nuôi heo từ năm 1985 sau khi xuất ngũ trở về. Những năm đầu tôi chỉ nuôi chừng 5 – 7 con. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại địa phương, tôi mở rộng quy mô lên vài chục con. Từ đó trong chuồng thường ổn định 2 con heo nái, khoảng 30 con heo thịt. Năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, tôi thiệt hại lớn, có đến 40 con heo bị chết. May nhờ được Nhà nước hỗ trợ, được vay từ Ngân hàng CSXH huyện, tôi quyết tâm tái đàn. Từ sau đợt thiệt hại ấy, tôi thực hiện việc quản lý dịch bệnh rất chặt chẽ, thường xuyên sát trùng định kỳ, hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi. Đồng thời tiêm chủng cho heo theo tư vấn của cán bộ thú y và tình hình dịch tễ tại địa phương.
Nhờ chuyển hướng nuôi heo bài bản, đáp ứng nghiêm túc các quy tắc an toàn chăn nuôi, phòng dịch, năm 2020, đàn heo của gia đình ông Tài ổn định, phát triển tốt, có lãi hơn 120 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, ông Tài cho biết: Để nuôi heo thịt với quy mô lớn hiệu quả như ngày hôm nay, ông đã tích cực học tập các kiến thức chăn nuôi từ trên sách, báo, ti vi, kết hợp học hỏi kinh nghiệm của người chăn nuôi như mình thông qua những cuộc thảo luận, trao đổi.
Đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường nên ông Tài sớm xây dựng hệ thống hầm biogas. Nhờ hầm biogas không những ông giải quyết được vấn đề xử lý chất thải, ô nhiễm mà còn đảm bảo nhu cầu đun nấu hằng ngày, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, có thêm phân bón hữu cơ để bón cho 1,5 ha ruộng lúa của gia đình.
Xuân Vinh
Nguồn: Báo Bình Định