Ông Hải liều

Cuộc đời làm cán bộ thôn của ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) gói gọn trong 4 chữ “dám làm, dám chịu”. Ông tâm niệm, đã không làm thì thôi còn làm thì phải làm trước, làm hết mình, đó mới là tròn trách nhiệm.

Dám thay đổi giống, cơ cấu mùa vụ

Hỏi thăm dân Bản Nhùng, họ chỉ, nhà nào to nhất, đẹp nhất trong thôn ấy là nhà ông Hải Trưởng thôn.

Trong căn nhà 1 gian 2 chái, to như nhà văn hóa, có cả sân bóng chuyền hơi cho Nhân dân làng trên, xóm dưới tụ tập chơi thể thao mỗi buổi chiều. Khuôn mặt hừng đỏ, mồ hôi ướt sũng chiếc áo lao động, ông Hoàng Văn Hải đón chúng tôi với cái gì đó hơi sượng sùng, ông bảo, tôi có làm được gì đâu mà chính quyền xã giới thiệu!

Ông Hải liều

Ông Hoàng Văn Hải cũng được mệnh danh là “Bác sỹ nông nghiệp”.

Gặng hỏi mãi ông mới mở lòng, chậm rãi kể những câu chuyện được đánh giá là “liều” của tuổi trẻ trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, truyền thụ một luồng tư tưởng làm kinh tế mà chỉ có Nhân dân Bản Nhùng làm được. Ông Hải sinh năm 1967, tuổi Đinh Mùi, ông tự kể, mình tuổi dê nên tính cũng “ngông” lắm, sau khi học xong lớp 7, năm 1981, ông được bầu là Bí thư Chi đoàn thôn, đi đầu “thúc” anh em thanh niên tự đứng lên đi trên đôi chân của mình, mở màn các mô hình làm kinh tế nông hộ.

Đến năm 1983, ông được tín nhiệm bầu làm Đội phó Đội sản xuất thôn, kiêm luôn thư ký, đảm luôn cả kế toán, gánh vác mấy “cái đòn” ấy thế mà việc nào cũng hoàn thành, tròn trịa ai cũng nể. Nhớ mãi năm 1995, ông Hải tự mày mò tìm hướng đi mới trong thay đổi cơ cấu giống, bởi sự suy giảm năng suất của giống bản địa so với yêu cầu lương thực của người dân. Ngày ấy đường đi lại khó khăn, ông tự đạp xe xuống huyện Chiêm Hóa, mua thử 5 kg giống lúa Nông nghiệp 8 về trồng thử trên 3 sào trong tổng số 9 sào ruộng của gia đình. Ngày đó Bản Nhùng có 28 hộ dân thì không ai đồng tình, họ bảo, nghe lời Đội phó sẽ bị đói cũng nên.

Vị trí trồng thử nghiệm nằm giữa ruộng canh tác của người dân, kinh nghiệm chưa có, nguồn nước lại thiếu hụt, ông cũng lo, tưởng chừng mất trắng ấy thế mà năng suất vẫn đạt trên 200 kg/sào. Thấy ông thắng lớn, người dân trong thôn ai cũng ngỡ ngàng, nhưng họ vẫn không tin. Kiên trì theo dõi ông Hải làm được 2 vụ, năng suất vượt trội, bấy giờ mọi người mới chịu thay đổi cơ cấu giống, chuyển hẳn sang trồng Nông nghiệp 8 thay cho giống lúa bản địa đương thời.

Năm 2000, lúc này ông Hải đã được bầu làm Trưởng thôn, một lần được đi tham quan học tập kinh nghiệm tại Bắc Kạn về trồng lúa vụ xuân. Tức là gieo lúa sau Tết thay vì làm trước Tết Nguyên đán như người dân hay làm. Người dân trong thôn thấy Trưởng thôn đi cấy lúa sau Tết ai cũng cười. Vụ xuân năm đó 3 sào lúa thử nghiệm của ông Hải gần như mất trắng, thu hoạch chưa được 1 tạ thóc, ông buồn lắm, nhưng với ý chí không bỏ cuộc, quyết làm lại, ông học kỹ thuật che phủ ni lông, khung thời vụ và vụ xuân năm 2001, năng suất lúa đạt 5 tạ trên hơn 1.000 m2 diện tích. Người dân Bản Nhùng từ đó đã biết làm lúa 2 vụ với những giống lúa mới ngắn ngày, thay vì chỉ trồng 2 vụ 1 loại, một sự khởi đầu mới cũng bắt đầu từ đó.

Dám đưa con giống mới vào chăn nuôi

Từ năm 1993 được bầu làm Trưởng thôn, suốt quãng thời gian dài ông Hải luôn trăn trở, nếu cứ trông vào sản xuất nông nghiệp thì kinh tế mãi chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu.

Ông Hải liều

Ông Hoàng Văn Hải bên mô hình nuôi don sinh sản.

Rít 1 điếu thuốc lào vô cùng hào sảng, ông Hải kể, năm 1997, tôi quyết định khởi nghiệp bằng chăn nuôi, và mô hình đầu tiên là nuôi lợn rừng. Ngày đó ông vay mượn họ hàng và vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang được tổng số tiền 70 triệu đồng, ông cải tạo 1 ha đất đồi quanh nhà thành khu nuôi lợn rừng bán hoang dã, ngày đó ông khởi nghiệp là cơn “dư chấn” với người dân Bản Nhùng bởi số tiền quá lớn nếu thất bại chắc cả gia đình Trưởng thôn sẽ không có chốn nương thân, họ đồn như thế.

Làm xong mô hình còn đúng 3 triệu đồng trong tay ông đầu tư mua 3 con lợn rừng giống, nuôi mãi 2 năm sau mới nhân được 8 con giống. Ông trầm ngâm kể, nhiều người sẽ bỏ cuộc bởi lợn sinh sản quá chậm, nhưng xác định tư tưởng phải làm hết mình nên ông tự mày mò, hỏi học kinh nghiệm và cho lợn lai để nâng cao chất lượng. Từ năm 2003 trở đi, gia đình ông có thường trực 60 con lợn lai rừng. Hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Ngày đó ông bắt đầu trở thành tấm gương của nhiều người, lớp trẻ cũng nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ.

Có vốn, cuối năm 2003, ông Hải tiếp tục mở rộng mô hình nuôi dê. Ông bảo, nuôi con lợn khó mình còn làm được chứ nuôi dê thì dễ hơn nhiều, ấy thế mà ông trời thích trêu đùa người nghị lực, nếu cứ nuôi thường trực 20 con thì chỉ đủ tiền chi phí thức ăn chứ không sinh lãi nhiều. Năm 2012, ông Hải quyết định chơi lớn, ông mua thêm con giống nhân đàn lên gần 70 con, cuối năm đó ông thất bại cay đắng, do nhập về ồ ạt không kiểm soát đầu vào nên đàn dê mắc bệnh lở mồm long móng, bị đường ruột, sau 1 tuần ông mất gần 30 con dê sinh sản, căn bệnh quái ác còn lây cả sang đàn lợn. Ông tự tìm hiểu nguyên nhân, tự lên rừng lấy lá thuốc về xử lý bệnh, cuối năm đó tuy hao hụt đàn dê và lợn khá nhiều nhưng ông vẫn đứng vững, coi đó là bài học, kinh tế nông nghiệp phải làm từ từ, không đốt cháy giai đoạn thì sẽ thành công.

Ông Hải liều

Ông Hoàng Văn Hải phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả nhận xét về ông Hải với sự tự hào, cái trân quý của ông Hải chính là sự giúp đỡ mọi người trong thôn cùng làm ăn kinh tế, nhất là những con người lầm lỡ có cơ hội quay lại và đứng vững trên đôi chân. Dù nhiều lần thoái lui làm Trưởng thôn nhưng ông luôn được Nhân dân tín nhiệm, có đầu tàu nên phong trào gì Bản Nhùng cũng đi đầu làm tốt, nhất là các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Khác với sự kín tiếng lúc đầu, ông Hoàng Văn Hải hồ hởi khoe đầu năm nay, ông được đi tham quan một số mô hình tại Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội). Hiện ông đang phát triển mô hình nuôi dê vỗ béo và bò sinh sản nuôi nhốt. Ông đã nuôi thử nghiệm với 5 con dê, sau 4 tháng đều tăng trung bình 10 kg, tính ra tiền được 1,2 triệu đồng/con, còn 3 con bò đã đẻ được 1 con bê sau 8 tháng nuôi thử nghiệm. Kéo nhà báo đến chuồng nuôi nằm tận góc trang trại, ông phấn chấn, 8 con don này vừa đầu tư nuôi được 8 tháng, chi phí giống hết 90 triệu đồng nhưng đến giờ vẫn chưa đẻ. Ông đang đang nghiên cứu xem mình sai kỹ thuật ở chỗ nào, nếu thành công đây mới là hướng làm giàu của người dân trong tương lai. Ông tin mình sẽ làm được.

Lê Duy

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *