Nuôi vịt đẻ… mùa dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, khi nhiều nông sản lâm vào cảnh rớt giá, dội đồng, dội vườn… thì người nuôi vịt đẻ tại Vĩnh Long vẫn tiêu thụ được trứng, nghề nuôi vịt đã giúp nhiều hộ trụ vững trong mùa dịch…

Trứng vịt: giá ổn định, thuận đầu ra

Anh Nguyễn Tân (42 tuổi, ở ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận – Vũng Liêm) cho hay: Anh đang nuôi trên 2.000 con vịt đẻ (loại vịt cỏ hay còn gọi là vịt tàu). Ngày nào cũng thu được đều đều và bán hết trên 1.000 trứng vịt, đem lại doanh thu cho anh gần 2,5 triệu đồng/ngày ngay cả trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Trong những ngày ấy, các cơ sở thu mua trứng trong huyện vẫn cho người được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đi xe honda đến tận nơi thu gom. Giá bán (trứng tươi) không những ổn định mà còn cao hơn so với trước khi có dịch (3.000 đ/trứng, cao hơn ngày thường 500 đ/trứng), thu về cho anh trên 3 triệu đồng/ngày.

Nuôi vịt đẻ trứng không gặp cảnh “dội đồng” vì là mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, trong gần 2 tháng qua, giá trứng vịt nhìn chung ổn định, ít biến động, khoảng 2.500 – 2.800 đ/trứng (trứng tươi). Giá trứng tại các huyện Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm hồi đầu tháng 7/2021 là 2.800 đ/trứng thương lái mua tại nhà hộ nuôi; đến giữa tháng 7 còn 2.500 đ và trong tuần lễ (từ 7/8 – 12/8) lên mức 3.000 đ/trứng.

Theo anh Tân, trứng vịt hay trứng gà không gặp cảnh “dội đồng” vì là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của người dân sử dụng hàng ngày nên được Nhà nước cho lưu thông mua bán nếu tuân thủ phòng dịch COVID-19 tốt. Trứng vịt dễ bảo quản, vận chuyển đi được xa và được nhiều người dùng thường xuyên, dễ chế biến thành nhiều loại thức ăn nên trứng dễ bán. Nhất là trong những ngày đầu trước khi có lệnh giãn cách xã hội, có nhiều người đến tận chỗ anh nuôi để mua tạm trữ. Hiện anh đã liên kết với cơ sở thu mua trứng Huỳnh Trần ở xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) nên cũng an tâm đầu ra.

 

Nghề nuôi vịt cũng thuận lợi

Cũng như anh Nguyễn Tân, anh Tư Lành (58 tuổi, ở ấp Rạch Rô, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) với trên 20 năm trong nghề nuôi vịt chạy đồng và nuôi nhốt, đang sở hữu đàn vịt trên 2.000 con vịt đẻ. Anh cho biết: Nhờ có Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, tiêm phòng, hướng dẫn cách nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học… nên nghề nuôi vịt ngày nay thuận lợi hơn trước, đàn vịt của anh giảm rõ rệt dịch bệnh, tăng trọng nhanh, đẻ trứng tốt. Mỗi năm đàn vịt này sản xuất trên 400.000 trứng (bình quân 200 trứng/con), đem lại thu nhập cho anh vài trăm triệu đồng. Nhờ nuôi vịt này đã giúp anh thoát nghèo trở nên khấm khá.

Theo Cục Thống kê Vĩnh Long, tổng đàn vịt (vịt thịt và vịt đẻ trứng) của tỉnh có chiều hướng tăng mỗi năm khoảng 4,3%. Năm 2015 có 2,6 triệu con và năm 2020 tăng lên gần 3,6 triệu con. Hộ chăn nuôi vịt với quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số và phân bố rải rác ở các huyện- thị.

Hiện nay, có 2 giống vịt đẻ đang được nuôi phổ biến trong tỉnh: Vịt Triết Giang (là giống vịt siêu trứng nổi tiếng, có nguồn gốc từ tỉnh Triết Giang – Trung Quốc) và vịt TC (là giống vịt lai tạo giữa mái vịt cỏ và trống vịt Triết Giang).

Bên cạnh các sản phẩm của ngành hàng vịt như thịt và trứng tươi, trứng vịt muối cũng là một thế mạnh của Vĩnh Long, góp phần đa dạng hóa sản phẩm vịt và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nghề nuôi vịt là nghề từ lâu đã gắn chặt với cuộc sống của dân miệt đồng vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long, đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.

Bài, ảnh: Trung Chánh

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *