Nuôi thỏ cho thu nhập cao – kinh nghiệm từ anh Hà Văn Dụng

Với cách làm bài bản, khoa học, anh Hà Văn Dụng, thôn Phú Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông), đã chăn nuôi thỏ rất hiệu quả, mang lại thu nhập khá. Nhiều hộ dân trên địa bàn cũng học tập cách làm của anh và có thu nhập ổn định.

Anh Dụng cho biết, trước đây từng nuôi thỏ, nhưng chỉ phục vụ thực phẩm cho gia đình. Từ năm 2018, gia đình anh đầu tư nuôi thỏ quy mô lớn. Anh xây dựng chuồng nuôi thỏ rộng 200 m2 để nuôi hàng trăm con thỏ mỗi lứa.

Theo anh Dụng, thỏ thịt nuôi khoảng 4 – 5 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 3 kg/con và có thể xuất bán. Trên thị trường hiện nay, giá thỏ thịt tầm 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Đối với thỏ giống, sau 1 tháng tách mẹ có thể đạt trọng lượng từ 0,5 kg/con. Anh Dụng bán giống với giá 120.000 đồng/cặp. Thị trường đầu ra đối với thỏ thịt và thỏ giống đều rất ổn định.

Bình quân mỗi tháng, anh Dụng cung cấp cho thị trường khoảng 50 kg thỏ thịt và 300 cặp thỏ giống. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng từ chăn nuôi thỏ.

nuôi thỏ

Anh Hà Văn Dụng có thu nhập khá nhờ chăn nuôi thỏ

 

Anh Dụng cho biết, muốn nuôi thỏ hiệu quả phải làm chuồng thành 3 khu vực. Từ đó, tách riêng thỏ sinh sản, thỏ con và thỏ thịt để nuôi. Sau khi thỏ sinh được 30 ngày, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg, người nuôi có thể chọn cách bán thỏ giống hoặc tiếp tục nuôi thỏ thịt.

Lúc thỏ được 20 – 30 ngày, cần phải cho thỏ con uống thuốc, vitamin để phòng, chống bệnh đường ruột, cảm cúm, nấm… Bà con nên trộn bắp nghiền với cỏ, dùng cám nuôi heo cho thỏ ăn để tăng thêm dinh dưỡng.

Thỏ không được phối cận huyết. Nếu để trùng huyết thống, thỏ mẹ thường cắn thỏ con, tỉ lệ phát triển thấp, thỏ con dễ tử vong. Người nuôi phải thường xuyên chọn những con thỏ to khỏe để làm giống.

Thỏ dễ bị tiêu chảy. Do đó, ngoài việc cho uống thuốc phòng tiêu chảy, thức ăn cho thỏ cần để khô ráo mới cho ăn. Còn nếu thức ăn ẩm ướt, thỏ ăn vào dễ bị tiêu chảy.

Nếu thỏ xảy ra hiện tượng hắt xì hơi là đã bị cảm cúm. Lúc này cần phòng ngừa sớm để giúp thỏ tránh viêm phổi, dẫn đến tử vong. Thỏ mẹ đang ở giai đoạn cho con bú rất dễ tắc tuyến vú, dẫn đến tử vong. Do đó, bà con cần lưu ý để đề phòng.

Chuồng nuôi thỏ phải được xây cách nhiệt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm thoáng mát. Thời tiết nóng hoặc lạnh đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thỏ.

Vì thế, làm chuồng cách nhiệt giúp bảo đảm nhiệt độ tốt cho thỏ. Trời nóng, những con thỏ lớn hấp thu nhiệt càng nhiều, nên cần có không gian thoáng mát cho chúng. Nếu thời tiết quá lạnh, bà con cần thắp bóng điện để sưởi ấm cho thỏ, nhất là thỏ mẹ đang sinh con.

Cũng theo anh Dụng, nuôi con gì, trồng cây gì cũng cần học hỏi khoa học kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm. Hiện nay, anh đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thỏ cho nhiều người.

Anh cũng đã tập hợp nhóm gồm 6 hộ là người dân tộc Thái để cùng chăn nuôi thỏ, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Các hộ này đều được anh Dụng chia sẻ kinh nghiệm, nên đến nay đều chăn nuôi thỏ rất tốt.

Nhờ đó, hằng tháng, các hộ có thêm thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng từ chăn nuôi thỏ, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình. Anh Dụng đang hướng tới liên kết quy mô lớn để chăn nuôi thỏ bảo đảm bền vững, có đầu ra ổn định.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn: Báo Đắk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *