Đều đặn mỗi ngày hai lần, gia đình anh Phạm Văn Quyền, thôn Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình) cho đàn thỏ nghe nhạc trữ tình. Với cách nuôi này, đàn thỏ của gia đình anh Quyền sinh trưởng và phát triển nhanh hơn so với phương pháp nuôi thỏ truyền thống.
Nuôi thỏ được hơn 10 năm nên anh Quyền tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Từ 50 con thỏ giống ban đầu, anh mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng 300 m2 chuồng trại với hệ thống thông gió, nước uống tự động khép kín, chuồng nuôi. Anh Quyền cho biết: Trước kia khu vực chăn nuôi của gia đình là đất ruộng chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Gia đình tôi đã mạnh dạn xin chính quyền cho phép và vận động người dân cho thuê lại ruộng với diện tích gần 8 sào để làm trang trại tổng hợp. Tôi nuôi thỏ thịt để bán, ngoài ra sử dụng nguồn phân chuồng để nuôi giun quế cho gà, cá ăn. Với cách làm này, gia đình tôi tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư về thức ăn chăn nuôi, lại cho sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Anh Quyền thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn thỏ.
Được anh Quyền dẫn đi thăm mô hình nuôi thỏ cho nghe nhạc, chúng tôi thấy mặc dù đàn thỏ gần 2.000 con, nuôi với mật độ dày nhưng chuồng nuôi luôn bảo đảm không khí thoáng mát và không có mùi hôi. Gia đình anh Quyền chọn nuôi giống thỏ New Zealand bởi đây là giống thỏ chất lượng cao, trọng lượng khi trưởng thành có thể đạt từ 2 – 2,3 kg/con. Gia đình anh thường bật nhạc trữ tình cho đàn thỏ nghe bởi thỏ có đặc tính chỉ cần nghe thấy tiếng động là có thể tỉnh giấc ngủ, khiến cho năng suất không cao, khi bật nhạc to cho thỏ nghe sẽ làm đàn thỏ quen dần với tiếng động lớn, giúp đàn thỏ ăn, ngủ tốt hơn, từ đó cân nặng cũng sẽ tăng từ 20 – 30% so với phương pháp nuôi truyền thống, trọng lượng khi xuất bán đạt từ 2,3 – 2,5 kg/con. Những tháng cao điểm, gia đình anh Quyền xuất bán 1 tấn thỏ thịt/tháng với giá bình quân từ 80.000 – 95.000 đồng/kg, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay chỉ bán 75.000 đồng/kg. Anh Quyền thường xuyên bổ sung các loại rau, củ cho đàn thỏ nên chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều khách hàng ở các thành phố lớn đặt mua.
Anh Quyền chia sẻ thêm: Muốn nuôi được thỏ tốt thì quan trọng nhất là khâu phòng dịch bệnh. Tôi thường xuyên kiểm tra và vệ sinh chuồng trại một ngày hai lần để bảo đảm chuồng nuôi luôn sạch sẽ. Nuôi thỏ sợ nhất là những bệnh như bệnh cầu trùng, tụ huyết trùng, viêm phổi và tiêu chảy. Chính vì thế, gia đình tôi tính toán cẩn thận hàm lượng cám, rau và bảo đảm lịch tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình. Khu chuồng nuôi thỏ của gia đình được chia làm 4 dãy, mỗi dãy bố trí 2 tầng nuôi: tầng trên nuôi thỏ thương phẩm, tầng dưới nuôi thỏ sinh sản; bốn góc chuồng bố trí 4 chiếc loa để mở nhạc trữ tình cho thỏ nghe hàng ngày. Vợ chồng tôi thường xuyên vệ sinh hệ thống nước uống tự động, vừa tiện lợi lại bảo đảm đàn thỏ luôn được cung cấp đầy đủ nước mà không cần phải có người trông. Sau khi trừ chi phí, mô hình tổng hợp của gia đình tôi thu về hơn 700 triệu đồng/năm.
Chuồng nuôi thỏ của gia đình nông dân Phạm Văn Quyền luôn bảo đảm thông thoáng.
Ông Ngô Sơn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Ninh đánh giá: Mô hình nuôi thỏ của hội viên Phạm Văn Quyền là một trong những mô hình mới và điển hình trên địa bàn xã Thụy Ninh. Bản thân anh Quyền luôn tích cực tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh chuồng trại và vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất bán thỏ thịt. Hội Nông dân xã Thụy Ninh sẽ giúp đỡ gia đình anh Quyền nói riêng, hội viên nông dân nói chung tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học tập những mô hình mới, hiệu quả, từ đó nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân rộng thêm những mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi trên địa bàn xã.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Quyền cho biết, nếu có những hộ chăn nuôi muốn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thỏ thịt hay cần giống thỏ chất lượng thì gia đình anh sẵn sàng giúp đỡ.
Hoàng Đạt
Nguồn: Báo Thái Bình