Anh Trần Thanh Long (55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trong một lần đặt dớn đã bắt được 3 con rắn ri voi con rồi mang về nhà nuôi thử. Không ngờ rằng, từ đó loài bò sát này gắn bó với anh cho đến nay, hằng tháng đem lại nguồn thu nhập ổn định…
Sở hữu hơn 100 rắn ri voi bố mẹ, anh Trần Thanh Long có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm nhờ bán con giống.
Anh Long sở hữu trên 100 con rắn bố mẹ từ 2 – 4 kg.
Ông Long kể, trước kia vợ chồng ông sống bằng nghề nuôi heo và bán tạp hóa. Tuy nhiên, nuôi heo vất vả, giá cả bấp bênh, nhiều lúc thua lỗ làm thâm hụt vốn. Năm 2019, trong lần đặt dớn dính 3 con rắn ri voi con. Thấy rắn lành tính nên anh Long để nuôi trong lu. Sau thời gian nuôi, tuy ít chăm sóc nhưng rắn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, thậm chí tự sinh sản nhung nhúc con, dù nuôi trong lu nhỏ xíu.
Sau khi tìm hiểu thị trường, thấy con rắn ri voi là đặc sản, giá trị thị trường luôn ở mức cao, trong khi loài rắn này trong môi trường tự nhiên không còn nhiều. Từ đó, ông quyết định bỏ vốn mua con giống từ trại có tiếng về nuôi nhân đàn, tận dụng chuồng heo cũ cải tạo lại nuôi rắn. Tuy nhiên, sau thời gian nuôi nhân đàn thành công lên đến 300 con rắn bố mẹ, anh lại “nếm trái đắng” khi trong một lần thay nước, do không biết nước dưới kênh bị nhiễm mặn nên bơm vào bể làm rắn chết hàng loạt. Sau đó, những con rắn bố mẹ còn sống, anh gầy dựng lại đàn cho đến nay.
Anh Long cho biết, điều quan trọng là bể nuôi rắn ri voi phải thoáng, sạch, thay nước thường xuyên. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi bể xi măng nuôi rắn cần để bó dây ni lông giúp cho rắn có nơi ẩn trú. Anh Long tiết lộ, món khoái khẩu của rắn là cá trê. Tùy theo rắn lớn, nhỏ sẽ thả cá kích thước phù hợp. Cá trê trước khi thả vào bể rắn thì nên cho ăn thức ăn công nghiệp để khi rắn ăn cá cũng hấp thụ được lượng thức ăn công nghiệp, giúp tăng trọng nhanh.
Mỗi bể nuôi rắn ri voi dài khoảng 2 m và rộng 1 m, thả nuôi được khoảng 300 con rắn ri voi bố mẹ. Tỷ lệ thả rắn là 10 con rắn cái, 3 con đực. “Theo kinh nghiệm của tôi, rắn nuôi trong bể hẹp chúng ít di chuyển, dễ bắt mồi. Ăn đủ mồi nên mau lớn hơn nuôi trong bể rộng”, anh Long cho hay. Theo anh Long, rắn ri voi rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc. Sau 2 năm sẽ bắt đầu sinh sản. Rắn ri voi sinh sản từ tháng 4 – 6 âm lịch hằng năm, bình quân mỗi lần từ 10 – 30 con. Đối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2 kg có thể đẻ 40 con/lứa.
Hiện anh Long có khoảng 100 con rắn bố mẹ, mỗi con nặng từ 2 – 4 kg. Hằng năm, cho sinh sản gần cả ngàn con rắn con. Rắn giống được ông bán với giá từ 70.000 – 200.000 đồng/con (tùy kích cỡ). Nhờ đó đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng cho anh. Mô hình nuôi rắn trong bể xi măng của anh Long vừa đơn giản, tiết kiệm diện tích, lấy công làm lời, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân trong vùng học hỏi làm theo.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Nguồn: Báo Cần Thơ