Những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đầu tư nuôi gà ta (gà ri bản địa) theo mô hình thả vườn, đồi. Với chất lượng thịt thơm ngon, đây là vật nuôi có đầu ra ổn định, giá bán cao, đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những năm gần đây, chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Dịch bệnh khiến nhiều chuỗi liên kết bị đứt gãy, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ đã bỏ nghề làm công việc khác. Như ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn), trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nuôi gà đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Tuy nhiên, hiện số hộ còn duy trì nuôi gà chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Với điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, đầu ra ổn định, nuôi gà ta thả vườn đang được nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Ảnh chụp tại xã Tự Do.
Gia đình bà Quách Thị Hòa, xóm Bưng Cọi là một trong những hộ chăn nuôi gà nhiều năm ở xã Hương Nhượng và là một trong số ít hộ tiếp tục duy trì nuôi gà. Theo bà Hòa, hiện nay, người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn khi giá thức ăn tăng cao. Đối với nuôi các loại gà lai, nếu không biết cách chăm sóc thì nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, nuôi gà ta vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đợt vừa rồi, gia đình bà Hòa xuất bán 1.500 con gà ta, giá 130 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con gà cho lãi 30 nghìn đồng. Hiện, bà Hòa nuôi lứa gà thịt mới với số lượng 800 con.
Ở xã Quyết Thắng (Lạc Sơn), nhiều năm trở lại đây việc nuôi gà ta thả vườn, thả đồi được nhiều người duy trì, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ở xã có HTX chuyên cung ứng gà ri bản địa cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện nay, mô hình nuôi gà ta thả đồi đã được nhân rộng ở khắp các xóm trên địa bàn xã Quyết Thắng. Như gia đình ông Bùi Văn Hòa, xóm Duộng Rềnh sau nhiều năm lao đao với nghề nuôi lợn thì mấy năm gần đây đã chuyển sang nuôi gà ta. Trên diện tích khoảng 1 ha đồi keo, ông Hòa chia thành các khu để nuôi gà. Với khoảng 1,2 vạn gà thịt xuất bán/năm đã đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng cho gia đình ông.
“Giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao như hiện nay, nếu nuôi các loại gà lai sẽ lỗ. Với giống gà ta, chúng tôi chỉ cho ăn cám công nghiệp trong khoảng 2 tháng, sau đó chuyển sang cho ăn ngô, thóc nên chất lượng thịt thơm ngon. Đặc biệt, giá gà ta khá ổn định, có thời điểm tăng lên 160 – 170 nghìn đồng/kg, còn hiện nay dao động từ 110 – 130 nghìn đồng/kg. Tính ra, người chăn nuôi vẫn có lãi”, ông Hòa chia sẻ.
Không chỉ trên địa bàn huyện Lạc Sơn, mà ở nhiều địa phương trong tỉnh, như một số xã của huyện Tân Lạc chăn nuôi gà ta thả đồi cũng được bà con chú trọng. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có hơn 8,8 triệu con. Giá gà ta thả vườn ở mức bình quân từ 110 – 120 nghìn đồng/kg; còn gà Lạc Thủy khoảng 80 – 90 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp khoảng 35 – 40 nghìn đồng/kg. Với những lợi thế về thị trường tiêu thụ, việc tận dụng diện tích vườn, đồi để chăn nuôi gà ta là hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng.
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình