(Người Chăn Nuôi) – Việc liên kết chăn nuôi gà gia công với các doanh nghiệp tuy lợi nhuận không cao bằng nuôi tự do, song lại giúp người chăn nuôi giảm được thiệt hại khi thị trường biến động về giá hoặc có dịch bệnh. Tuy nhiên, để mối quan hệ này được duy trì bền chặt, đôi bên cùng có lợi thì nông dân và doanh nghiệp phải thực sự trở thành “chiến hữu” của nhau.
Thành công nhờ tuân thủ nguyên tắc
Chăn nuôi gia công là hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ chăn nuôi đã thu được lợi nhuận tốt từ khi áp dụng mô hình này trong phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như trang trại có diện tích 2.300 m2, quy mô 20.000 con của anh Nguyễn Văn Hợp, xóm Tân Bình 4, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là một trong những mô hình nuôi gà công nghiệp gia công thành công. Anh Hợp chia sẻ: “Trang trại đã nuôi gia công gà công nghiệp được 2 lứa, 1 lứa với công ty khác và 1 lứa với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín (Công ty Việt Tín). Với lứa nuôi vừa qua với Công ty Việt Tín, con giống mẫu mã đẹp, gà phát triển tốt, tỷ lệ chết không nhiều, thức ăn Công ty cung cấp cho trại đầy đủ, có nhân viên kỹ thuật xuống hỗ trợ thường xuyên. Đến thời điểm xuất bán, gà đạt biểu cân đủ, thậm chí còn vượt cân so với biểu thu mà Công ty Việt Tín đề ra”.
Anh Nguyễn Văn Hợp, xóm Tân Bình 4, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên mong muốn được tiếp tục nuôi gà gia công với Công ty Việt Tín
“Tôi luôn thực hiện đúng quy trình nuôi do Công ty Việt Tín cung cấp, cho ăn đầy đủ, chính xác theo quy chuẩn, luôn theo dõi, ghi chép nhật ký trang trại đầy đủ. Thời điểm xuất bán gà mái là 74 ngày với khối lượng xuất bán hơn 7,2 tấn, gà trống 95 ngày khối lượng 27,6 tấn, còn lại 1,7 tấn gà loại, không đạt chuẩn (chiếm 4,6%). Mức giá được Công ty Việt Tín thu mua là gà trống 50.000 đồng/kg, gà mái 42.000 đồng/kg, doanh thu của trang trại đạt gần 1,68 tỷ đồng/lứa gà, sau khi trừ chi phí, tính về lợi nhuận đạt khoảng 260 triệu/lứa gia công”, anh Hợp nói thêm.
Tương tự mô hình của anh Hợp, trang trại của anh Nguyễn Mạnh Hiếu, xóm Tân Bình 4, Bạch Hạ, Phú Xuyên, Thái Nguyên nhận nuôi gia công hơn 18.000 con gà giống với Công ty Việt Tín. Anh Hiếu cho biết: “Trong quá trình nuôi, tôi hoàn toàn tuân thủ sử dụng thức ăn, vaccine, thuốc theo quy trình của Công ty Việt Tín. Thời điểm xuất bán là 97 ngày nuôi, gà trống đạt 2,5 – 2,7 kg/con, vượt biểu thu của Công ty quy định. Gà trống được thu mua với giá 50.000 – 52.000 đồng/kg, với khối lượng gần 38 tấn gà đạt biểu thu và gần 2 tấn gà loại (5% so với tiêu chuẩn), doanh thu đạt gần 1,9 tỷ, lãi hơn 300 triệu”.
“Giữa đường đứt gánh”
Nuôi gia công dù người chăn nuôi chỉ “ăn” được công đoạn giữa nhưng bù lại tính an toàn cao hơn vì phần lớn rủi ro các đơn vị bao thầu sẽ gánh chịu. Những lúc thị trường gà thịt, gà trứng dư cung, rớt giá thê thảm, rồi gà, heo nhập khẩu đổ bộ ồ ạt vào thị trường, người nông dân nếu một mình khó có thể trụ vững được. Rõ ràng, những ưu thế mà chăn nuôi gia công mang lại đã được khẳng định. Song thực tế cũng có không ít câu chuyện rạn nứt, thậm chí “đứt gánh giữa đường” trong mối liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp do người chăn nuôi không thực hiện đúng quy trình.
Đơn cử như trường hợp tại trang trại chăn nuôi của anh Đồng Văn Trình, xã Bá Xuyên, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Được biết anh Trình đã ký hợp đồng nuôi gia công gà với Công ty Việt Tín trong thời hạn 1 năm, bắt đầu từ ngày 18/11/2020. Hiện là lứa gà thứ 3 mà trang trại hợp tác với Công ty Việt Tín. Theo chia sẻ của anh Trình, trang trại nuôi 7.000 gà giống do Công ty Việt Tín cung cấp và 1.000 gà giống từ ngoài đưa vào. Phía Công ty Việt Tín đã cung cấp thức ăn, thuốc thú y, vaccine… đủ theo tiêu chuẩn của hợp đồng. Thế nhưng, trong quá trình chăn nuôi, anh Trình đã sử dụng lượng thức ăn đó cho toàn bộ 8.000 con gà trong trại và không cân đo đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, đến 68 ngày nuôi, lượng thức ăn được cung cấp đã hết và phải sử dụng thức ăn mua từ ngoài thị trường. Hiện, trang trại chỉ còn lại khoảng 5.000 – 5.500 con, đang trong giai đoạn 79 ngày tuổi, khối lượng chỉ đạt khoảng 1,2 kg/con, gà tăng cân không nhiều. Anh Trình đề nghị Công ty Việt Tín xem xét, hạ mức biểu thu xuống và đến thu bắt đàn gà.
Gà nuôi gia công tại trang trại của anh Đồng Văn Trình, xã Bá Xuyên, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín chia sẻ: “Hiện, có một số thông tin chưa chính xác liên quan đến việc chăn nuôi gia công, một số đối tượng là nhân viên Công ty cấu kết với trại, ngăn cản không cho Ban kiểm soát lên kiểm tra và tự ý bán gà không nộp tiền trả Công ty. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thương hiệu và uy tín của Công ty. Tôi khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác và hiện chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để nhờ các cơ quan chức năng giải quyết”.
Ông Huyên cho biết thêm: “Công ty Việt Tín hoạt động trên lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi được 18 năm, có thương hiệu và uy tín về sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho gà trên thị trường. Hiện, Việt Tín đang là một trong 3 Công ty có sản lượng gia công gà lớn nhất miền Bắc. Tham gia vào lĩnh vực gia công gà với mong muốn tạo chuỗi liên kết giữa nhà sản xuất – trang trại – bàn ăn, tối ưu hoá giá thành sản phẩm đầu ra, tạo ra sản phẩm có kiểm soát, đạt chất lượng cao, giúp bà con nông dân ổn định việc làm và an sinh xã hội. Đây cũng là chủ trương mà Nhà nước, chính quyền đang hướng tới.”
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín
Cũng theo ông Huyên: “Về con giống, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Hòa Bình; Công ty Giống Gia cầm Cao Khanh; Công ty TNHH Giống Gia cầm Minh Dư; Công ty Đức Minh; Công ty Phú Gia… Đây đều là những công ty cung cấp con giống tốt nhất trên thị trường hiện nay. Về thuốc thú y, vaccine, Công ty đã ký hợp đồng với Hipra, Ceva, Apharma, Toàn Thắng… để hỗ trợ trang trại phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy trình, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh, chăn nuôi liên tục rớt giá, Công ty Việt Tín đang rất nỗ lực để tìm nguồn vốn đầu tư con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nâng cao tay nghề kỹ thuật, từ đó giúp bà con phục hồi sản xuất”.
>> Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi, cơ cấu lại nhân sự và hệ thống quản lý để đảm bảo việc hoạt động kinh doanh được kiện toàn hơn và đem lại hiệu quả thực sự cho Công ty, đối tác, khách hàng và các hộ chăn nuôi. Công ty khẳng định luôn tuân thủ theo pháp luật, cống hiến cho cộng đồng và đặt lợi ích của người chăn nuôi cao nhất”.
Sao Mai