Trong khi giá thức ăn cho vật nuôi không ngừng tăng cao, đầu ra lại không ổn định khiến cho nhiều hộ chăn nuôi phải “đau đầu”. Thì tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) mô hình nuôi dế mèn cung cấp thức ăn cho đàn bồ câu kết hợp nuôi gà rừng lai đang được một số hộ dân triển khai thực hiện và “sống khỏe”. Bởi cách làm này vừa giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế vừa cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tánh (thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) là một trong những hộ dân thực hiện mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp gà rừng có quy mô lớn tại địa phương. Anh Tánh luôn đam mê, sáng tạo, không ngừng học hỏi để đưa ra những cách làm mới, nhằm chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi và tiết kiệm chi phí.
Giữa năm 2020, qua thời gian tìm hiểu, anh Tánh bắt tay vào nuôi thử nghiệm dế mèn. Nếu như nhiều hộ dân ở các tỉnh bạn thực hiện mô hình trên chủ yếu bán thương phẩm, thì riêng anh Tánh làm với mục đích nuôi dế là để phối trộn cùng các nguyên liệu như cám, bắp cùng một số loại rau… để đóng viên, cung cấp nguồn thức ăn cho chính đàn vật nuôi của mình.
Mô hình nuôi dế mèn làm thức ăn cho vật nuôi của anh Tánh.
Theo đó, anh Tánh đã nhân giống dế từ những ổ trứng được mua ở các trại tỉnh bạn, và đến nay trang trại của anh luôn duy trì nuôi 12 ô chuồng, với mỗi ô chuồng rộng 2 m2. Nguồn thức ăn chính của dế mèn là cỏ, rau các loại, anh có thể kiếm quanh nhà cho đàn dế ăn, nên chỉ tốn chi phí từ con giống ban đầu, hầu như anh không mất thêm khoản chi phí nào cho việc nuôi dế. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bồ câu và gà rừng không bị đứt gãy, anh luôn nuôi gối đầu các lứa dế với nhau; mỗi lứa cách 2 ngày. Như vậy, mỗi ngày anh thu 1 ô, tương đương 10 kg dế thịt. Sau khi thu hoạch loài vật nuôi này, anh phối trộn cùng các vật liệu sẵn có như rau muống, cám, bắp… để đóng thành viên, cung cấp cho đàn vật nuôi.
Anh Tánh cho biết: Cách làm này không những chủ động được nguồn thức ăn cho trang trại, thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp đang tăng giá cao như hiện nay, mà còn giúp bồ câu và gà rừng tăng sức đề kháng, đảm bảo vật nuôi này sinh trưởng tốt hơn. Cũng theo anh Tánh, qua thời gian thực hiện, anh nhận thấy nếu người nuôi nắm được các kỹ thuật cơ bản thì dế là đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh. Trước những hiệu quả thiết thực mang lại, sắp tới anh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi dế vừa cung cấp nguồn thức ăn cho trang trại, và vừa tiến tới sản xuất dế thương phẩm để cung cấp cho thị trường.
Được biết hiện nay, số gà rừng lai của trại anh là 1.000 con. Gà rừng có thời gian nuôi lấy thịt từ 5 – 6 tháng, trọng lượng khi xuất chuồng thường là 0,7 kg/con; giá bán hơn 200.000 đồng/kg. Nếu bán gà giống thì từ 100.000 – 300.000 đồng/con, tùy thuộc độ tuổi. Nuôi gà rừng không phải tốn thêm thức ăn, vì tận dụng thức ăn thừa của bồ câu. Ngoài ra, anh còn cho gà ăn dế để bổ sung dinh dưỡng cho nhanh tăng trọng. Nguồn thu nhập từ gà rừng lai mang lại cho anh không hề nhỏ. Riêng đối với chim bồ câu thịt có giá bán từ 230.000 – 240.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng xuất bán từ 200 – 300 cặp giống với giá 300.000 đồng/cặp. Như vậy, từ mô hình chăn nuôi khép kín này, hàng năm mang về cho chủ trang trại này hàng trăm triệu đồng.
Bảo Ngọc
Nguồn: Báo Bình Thuận