Trong khi người chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh, thiếu ổn định, giá bán ở nhiều thời điểm giảm sâu thì dê vẫn giữ giá, đầu ra thuận lợi. Nuôi dê đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Với địa hình nhiều đồi núi là điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển mô hình nuôi dê. Thực tế những năm qua, nuôi dê đã trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, nên tổng đàn dê ngày càng được mở rộng ở các địa phương. Năm 2011, toàn tỉnh có tổng đàn dê trên 29 nghìn con, năm 2015 tăng lên hơn 31 nghìn con, hiện nay là 51,7 nghìn con. Theo đề án phát triển chăn nuôi bền vững của tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn dê trên đạt 60 nghìn con. Trong đó, phát triển chăn nuôi dê sản xuất hàng hóa tập trung tại các huyện có địa hình lợi thế như: Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy, Mai Châu, Đà Bắc…
Nhiều hộ dân xã An Bình (Lạc Thủy) phát triển chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, địa hình, chăn nuôi dê phát triển ổn định. So với những vật nuôi khác, việc tiêu thụ dê khá thuận lợi, giá bán duy trì ổn định. Hiện, chăn nuôi dê chủ yếu quy mô nhỏ, nông hộ nhưng cũng đã có một số trang trại chăn nuôi dê được thành lập. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có 14 trang trại chăn nuôi dê quy mô từ 100 – 200 con. Đáng chú ý là các sản phẩm: "Dê Lạc Thủy”, "Dê núi Lương Sơn” đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị nghề chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, Lạc Thủy là một trong những địa phương phát triển tương đối ổn định đàn dê, đây là vật nuôi được nuôi rải rác ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm qua, dê Lạc Thủy luôn có giá bán ổn định, đầu ra thuận lợi. Huyện có tổng đàn dê khoảng 8 nghìn con, quy mô nuôi từ 30 – 50 con/hộ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu bán cho các nhà hàng lớn trên địa bàn huyện và tư thương từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, mức giá hiện là 140 nghìn đồng/kg. "Sức đề kháng của dê tốt nên ít bệnh tật. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, giá bán không bị giảm. Với một hộ nuôi quy mô từ 30 – 50 con thì mỗi năm cho thu nhập ổn định từ 80 – 100 triệu đồng” – đồng chí Hoàng Đình Chính cho biết thêm.
Được biết, để phát triển ổn định, nâng cao giá trị chăn nuôi dê, năm 2021, huyện Lạc Thủy đã đầu tư kinh phí cải tạo đàn dê đực giống đã cận huyết, kém phát triển. Theo đó, huyện đã tập huấn cho các hộ chăn nuôi dê sử dụng Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Dê Lạc Thủy”; chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi để phòng trừ dịch bệnh tốt hơn. Cũng như tiếp tục tăng đàn, xây dựng các hợp tác xã chăn nuôi dê, chú trọng sơ chế thịt dê để bán cho nhiều khách hàng, nâng giá trị sản phẩm.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò thì nuôi dê đã, đang đem lại những hiệu quả thiết thực, ít gặp rủi ro hơn. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, chăn nuôi dê vẫn chủ yếu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, giữa các hộ nuôi thiếu liên kết với nhau. Thực tế, việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi dê như ở huyện Lương Sơn đã giúp nâng cao giá trị nghề nuôi dê khi sản phẩm "Dê núi Lương Sơn” đã có mặt ở các siêu thị, giá bán cũng cao hơn so với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Với điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, nhất là ở các xã vùng cao thì chăn nuôi dê là hướng đi phù hợp, hứa hẹn đem lại những hiệu quả kinh tế bền vững.
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình