Sau gần 2 năm triển khai, mô hình nuôi dê phát triển kinh tế cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo ở xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) do UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo.
Sinh kế của người nghèo
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi theo chân ông Mang Lộc – công chức Lao động – Thương binh và Xã hội của xã và ông Mang Cường – Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thịnh Sơn ngược lên ngọn núi A Ma Nhông, nơi chăn thả dê của một số hộ đồng bào DTTS. Trước mắt chúng tôi là màu xanh cây cỏ tốt tươi, thi thoảng xuất hiện những đàn dê nhởn nhơ ăn lộc non… Tại khu đất dọc con đường qua thôn Sông Cạn Trung, bà Cao Thị Kim Hoàng dõi ánh mắt về phía đàn dê đang tản mát trong những lùm cây phía xa. Hỏi chuyện, bà Hoàng phấn khởi cho biết: “Đầu năm 2021, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 3 con dê nái đang có chửa để nuôi phát triển kinh tế. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên khi dê con mới đẻ ra bị chết. Về sau, được cán bộ của xã, thôn thường xuyên chỉ dẫn, tôi đã có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc nên đàn dê phát triển khỏe mạnh. Hiện tại, gia đình có 8 con, tôi kết hợp nhận chăn thuê thêm 10 con nữa để lấy tiền công và hưởng lợi dê con để nhân đàn dê của gia đình nhiều thêm nữa”.
Bà Cao Thị Kim Hoàng lùa đàn dê lên núi chăn thả.
Được biết, gia đình bà Hoàng là một trong 45 hộ đồng bào DTTS nghèo của xã Cam Thịnh Tây được UBND tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi dê phát triển kinh tế từ đầu năm 2021. Trước đây, cuộc sống của 3 mẹ con bà Hoàng chủ yếu dựa vào 2 sào rẫy trồng bắp, mì và tiền công làm thuê ít ỏi của bà. Từ khi được hỗ trợ mô hình nuôi dê, bà Hoàng nghỉ hẳn việc làm phụ hồ để chăm sóc đàn dê của gia đình và chăn dê thuê, coi đây là công việc ổn định. Đến nay, bà đã bán được 3 con, phần giải quyết sinh hoạt, phần đầu tư nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập, góp phần giúp gia đình thoát nghèo.
Với gia đình bà Thị Tuyên (thôn Thịnh Sơn), Tết năm nay sẽ là cái Tết đầm ấm, hạnh phúc nhất từ trước đến nay bởi gia đình bà đã thoát nghèo, xóa được nhà tạm vách ván dột nát. Hiện nay, căn nhà xây mới của gia đình bà đang trong giai đoạn hoàn thiện. “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào 5 sào rẫy trồng mì, bắp và tiền chăn dê thuê nên rất khó khăn, thiếu thốn. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ dê giống, tôi quyết định trồng rừng trên 3 sào rẫy để có nơi chăn thả dê. Từ 3 con dê cái ban đầu, đến nay, gia đình đã có gần 20 con. Tôi đã bán 7 con dê đực, còn dê cái để lại nuôi; dồn tiền bán dê cùng tiền tích cóp được và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng căn nhà này với chi phí khoảng 180 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo và có nhà mới, thật không có niềm vui nào bằng!” – bà Tuyên chia sẻ.
Mô hình thiết thực
Chương trình hỗ trợ mô hình nuôi dê cho đồng bào DTTS nghèo của xã Cam Thịnh Tây dù mới được triển khai song bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Để có được kết quả đó, đầu tiên phải kể đến sự quản lý khoa học, sát sao của chính quyền và đoàn thể địa phương. Ngay từ khi tỉnh có chủ trương triển khai chương trình hỗ trợ, địa phương đã tập trung khảo sát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng là 45 hộ đồng bào DTTS nghèo. Sau đó họp các hộ thụ hưởng chính sách để thống nhất mô hình chăn nuôi phù hợp với thực tế địa phương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn từ khâu xây dựng chuồng trại đến chăm sóc vật nuôi. Sau khi thống nhất chọn mô hình nuôi dê, với số tiền hỗ trợ 450 triệu đồng từ chương trình, UBND xã liên hệ với các cơ sở cung cấp con giống để chọn giống dê bách thảo lai đã quen với điều kiện tự nhiên của địa phương. Người dân tự đến lựa chọn con giống và UBND xã đứng ra thanh toán tiền cho cơ sở cung cấp. Đây là hình thức triển khai chặt chẽ, khoa học, vừa đảm bảo tính tự chủ của đối tượng thụ hưởng trong việc lựa chọn con giống, vừa đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích.
Khi người dân nhận dê giống về nuôi (mỗi gia đình được hỗ trợ 3 con dê nái đã có chửa), chính quyền địa phương, trực tiếp là Ban giám sát cộng đồng của xã thường xuyên giám sát, đồng thời triển khai cho thành viên mặt trận các thôn nắm bắt tình hình chăn nuôi của từng gia đình được hỗ trợ. UBND xã còn giao trách nhiệm cho cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho người dân, nhất là những lúc dê cái sinh sản, hoặc có con bị bệnh. Nhờ đó, mô hình nuôi dê của các hộ được hỗ trợ từ chương trình đều phát triển tốt. Đến nay, 45 hộ được hỗ trợ đã từng bước ổn định đời sống, trong đó 12 hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Nhiều triển vọng
Ở xã Cam Thịnh Tây, số hộ đồng bào DTTS chiếm 99,5%; người dân chủ yếu dựa vào trồng mì, bắp nhưng hiệu quả thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên của xã rất thích hợp cho việc chăn thả dê và thực tế nhiều hộ dân đã nuôi dê hiệu quả. Tuy nhiên, việc nuôi dê tập trung ở những hộ có điều kiện kinh tế, còn phần lớn người dân không có vốn đầu tư ban đầu. Nhiều người đã chăn dê thuê nhiều năm, có kinh nghiệm nhưng không có vốn để gia đình tự chăn nuôi. Nhờ được chương trình hỗ trợ, những hộ đồng bào DTTS nghèo đã có được đàn dê cho riêng mình.
Ông Mang Duyên – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết: “Điều kiện tự nhiên ở địa phương rất thích hợp cho việc chăn thả dê. Thời gian qua, do sản xuất trồng trọt kém hiệu quả, người dân chuyển đổi nghề, nhiều diện tích rẫy bỏ hoang nên địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không bán đất mà để lại trồng rừng, tạo môi trường để chăn thả dê, mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thu nhập bền vững”.
Thế Anh – Thành Long
Nguồn: Báo Khánh Hòa