Dẫu hoàn toàn mới lạ với người dân nhưng nhận thấy triển vọng từ mô hình kinh tế tiềm năng, phù hợp với điều kiện ở địa phương, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã tiên phong triển khai Dự án “Chăn nuôi đà điểu thương phẩm” bước đầu cho hiệu quả khả quan, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Từ mô hình hiệu quả
Khu nuôi đà điểu của gia đình ông Bùi Quốc Phong – khu 6 rộng khoảng 2.000 m2, được xây dựng kiên cố, trong đó có gần trăm con đà điểu trưởng thành, mỗi con nặng vài chục kg vừa đi lại vừa xòe những đôi cánh như những vũ công thực thụ. Thỉnh thoảng, chúng lại phát ra những tiếng gọi đàn khiến không gian trang trại trở nên rộn ràng. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Bùi Quốc Phong cười bảo, tuy là loài chim khổng lồ nhưng đà điểu hiền lành, chỉ cần gặp người lạ hoặc nghe một tiếng động nhỏ cũng làm cả đàn xao động.
Đà điểu phát triển tốt trong môi trường thoáng, sạch.
Qua tìm hiểu được biết, với mong muốn phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định mà không phải thoát ly quê hương, ông Phong cùng vợ bàn bạc tìm hướng đi mới. Nghĩ là làm, vợ chồng ông mày mò tìm tài liệu, rồi lặn lội sang các trang trại chăn nuôi đà điểu ở huyện Ba Vì, Hà Nội học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về nguồn thức ăn, cách phòng bệnh, chăm sóc, cách làm chuồng và mua giống. Năm 2019, gia đình ông Bùi Quốc Phong nuôi thử nghiệm 20 con, đến nay gia đình ông có 70 con, có thời điểm lên đến cả trăm con.
Ông Phong cho biết: Nuôi đà điểu cũng khá dễ, chuồng trại phải đủ rộng để đà điểu có đường chạy, tập luyện đôi chân dẻo dai; 4 tháng đầu chăm sóc phải vào thuốc đầy đủ; bình quân mỗi tháng tăng khoảng 10 kg/con, nuôi trong 10 tháng thì xuất bán. Nhiều năm qua, tôi thấy thị trường tiêu thụ đà điểu thương phẩm khá ổn định. Năm 2023, gia đình bán được khoảng 75 – 80 nghìn đồng/kg thịt hơi. Mỗi con trưởng thành khi xuất bán, trừ chi phí lãi khoảng 1,7 triệu đồng/con.
Cũng giống như hộ ông Bùi Quốc Phong, gia đình ông Trần Văn Linh – khu Đại Đình mong muốn làm giàu ngay chính trên quê hương mình, nên cũng từ năm 2019, ông Linh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi đà điểu. Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, ông Linh vừa hồ hởi cho biết: “Nhớ lại ngày đầu bắt tay nuôi đà điểu, tôi làm công tác tư tưởng để vợ con ủng hộ, nhất trí đầu tư mua đà điểu giống, song ngày mang về, hàng xóm đến xem rất đông, có người lắc đầu vì “chỉ thấy nó ở trên ti vi”, không biết hiệu quả ra sao, nuôi như thế nào? Vì vậy, tôi càng thêm quyết tâm phải nuôi thành công bằng được”.
Trong quá trình nuôi, ông Linh tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc trên đài, báo, tài liệu, có những thời điểm, ông trở lại trang trại bên Ba Vì để tiếp tục học hỏi về cách chăm sóc, kỹ thuật phòng, trị bệnh… cho đà điểu. Nhờ chịu khó chăm sóc đúng quy trình nên đà điểu của gia đình ông Linh sinh trưởng khá tốt và không bị bệnh tật. Đàn đà điểu của gia đình ông đã phát triển lên tới 100 con/năm. Dự kiến tháng 11/2024 này sẽ xuất bán thương phẩm.
Theo kinh nghiệm của ông Linh, do là loại động vật hoang dã được thuần chủng nên đà điểu con khá nhát, chúng không thích sự ồn ào. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, ngô và ít cám tổng hợp… Công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông Linh dành khoảng 5-6 giờ để chăm sóc đàn đà điểu và vẫn làm được một số công việc khác.
Mặt khác, đà điểu có sức đề kháng tốt, khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch, chỉ cần chuồng trại sạch sẽ, vào thuốc đúng lịch trong thời kỳ bắt đầu sinh trưởng… Nếu chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tốt về dinh dưỡng thì đà điểu sau khi nuôi từ 10 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình đạt trên, dưới 1 tạ/con.
Kiểm tra con giống trước khi bàn giao cho các hộ thực hiện dự án “Chăn nuôi đà điểu thương phẩm”.
Hướng đi triển vọng
Đà điểu sống chủ yếu ở châu Phi, với tên gọi khoa học là Struthio camelus, được gọi nôm na là chim lạc đà vì khi nhìn đà điểu, người ta thấy giống con lạc đà có cánh. Một con đà điểu trưởng thành nặng khoảng trên dưới 1 tạ. Cánh của đà điểu nhỏ nên chúng không bay được, đôi chân thì dài lênh khênh với 2 móng giúp chúng bám mặt đất khi chạy. Do đà điểu không có răng, lại là loài ăn cỏ, nên thường vùi đầu vào cát để tìm những viên sỏi nhỏ, nuốt vào dạ dày để giúp chúng nghiền nát cỏ và thức ăn… Thịt của chúng giống như thịt bò, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Vì giá trị kinh tế rất cao, nên hiện nay, nhiều gia đình đã chọn đà điểu là đối tượng để nuôi phát triển kinh tế.
Với thành công bước đầu của 2 mô hình nuôi đà điểu, đã tạo động lực thúc đẩy xã Phùng Nguyên triển khai Dự án “Chăn nuôi đà điểu thương phẩm” do UBND huyện làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm góp phần tạo thêm việc làm cho người nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân…
Cụ thể, bắt đầu từ quý 2 năm nay, Dự án đã hỗ trợ 102 con giống đà điểu cho 5 hộ (2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi) đang sinh sống tại các khu: Đại Đình, khu 6. Các hộ chăn nuôi đà điểu theo phương thức nuôi nhốt có quản lý. Trong đó, 4 hộ thuộc đối tượng nhận hỗ trợ từ chương trình; 1 hộ làm kinh tế giỏi tham gia tự nguyện được hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật…
Đồng chí Cao Bá Kiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Nguyên cho biết: UBND xã chủ trì việc lựa chọn đơn vị cung ứng con giống đủ tiêu chuẩn để chuyển giao cho Tổ sản xuất cộng đồng thực hiện dự án “Chăn nuôi đà điểu thương phẩm”. Các hộ tham gia dự án được tham quan học tập kinh nghiệm; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; mỗi hộ phải đảm bảo lao động, chuồng trại, có đủ diện tích trồng rau, cỏ làm thức ăn cho đà điểu. Theo dự kiến đầu ra và lợi nhuận khi dự án kết thúc thì con giống sau quá trình chăm sóc trưởng thành đủ thời gian để xuất bản sẽ vào khoảng cuối năm 2024.
Ông Trần Văn Linh – Khu Đại Đình chăm sóc đà điểu.
Ông Trần Văn Linh – khu Đại Đình, Tổ trưởng Tổ sản xuất cộng đồng sẽ liên hệ đầu ra, cung cấp cho cơ sở sản xuất chế biến thương phẩm với giá thỏa thuận giữa các bên có hợp đồng cam kết. Dự kiến lợi nhuận của mỗi hộ trung bình là khoảng gần 54 triệu đồng/hộ/8 tháng, tính trung bình mỗi hộ sẽ thu được là 6,7 triệu/tháng. Từ năm thứ 2 trở đi, các hộ sử dụng số lợi nhuận đã thu được và kinh nghiệm đã được hướng dẫn để thực hiện nhân rộng mô hình tạo thu nhập tăng thêm mỗi năm khoảng 30 – 40 triệu đồng/năm so với năm trước. Hướng tới sẽ nhân bản rộng ra các địa bàn lân cận và các hộ khác trong xã để tăng thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, phấn đấu thoát nghèo bền vững trên toàn địa bàn.
Thay đổi cách nghĩ, hành động, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững từ tiềm năng, lợi thế địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường là hướng mở triển vọng, xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Việc phát triển chăn nuôi đà điểu ở Phùng Nguyên, bước đầu đã tạo sự đột phá đa dạng hóa sinh kế phù hợp với điều kiện thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện thành công từ chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị giai đoạn 2020-2025 của Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Thao, với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp gắn với thay đổi nhận thức của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị. Đây cũng là một trong những yếu tố để thực hiện thành công dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Lâm Thao.
Anh Thơ
Nguồn: Báo Phú Thọ